Giá than trên thị trường quốc tế tăng, thêm vào đó, hàng loạt bạn hàng ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đang "khát" than phục vụ công cuộc phát triển đất nước đã khiến ngành than của In-đô-nê-xi-a ăn nên làm ra trông thấy.Theo Thời báo Tài chính, cổ phần của Tập đoàn năng lượng A-đa-rô của In-đô-nê-xi-a đã tăng 127% kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán với số vốn 1,3 tỷ USD tháng 7-2008. Đó là một bằng chứng cho thấy ngành than ở In-đô-nê-xi-a phất lên như "diều gặp gió". Giá than từ mức 25 USD/tấn trong những năm 1990 của thế kỷ trước đã tăng vọt lên mức hơn 120 USD/tấn hiện nay. Tại châu Á, các thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan, Ấn Độ, Trung Quốc là những khách hàng truyền thống và chủ chốt tiêu thụ than từ In-đô-nê-xi-a. Nhật Bản là khách hàng lớn nhất châu Á nhập khẩu than đá của In-đô-nê-xi-a. Sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3 vừa qua, hàng loạt nhà máy điện hạt nhân...
Giá than trên thị trường quốc tế tăng, thêm vào đó, hàng loạt bạn hàng ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc đang “khát” than phục vụ công cuộc phát triển đất nước đã khiến ngành than của In-đô-nê-xi-a ăn nên làm ra trông thấy.
Theo Thời báo Tài chính, cổ phần của Tập đoàn năng lượng A-đa-rô của In-đô-nê-xi-a đã tăng 127% kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán với số vốn 1,3 tỷ USD tháng 7-2008. Đó là một bằng chứng cho thấy ngành than ở In-đô-nê-xi-a phất lên như “diều gặp gió”. Giá than từ mức 25 USD/tấn trong những năm 1990 của thế kỷ trước đã tăng vọt lên mức hơn 120 USD/tấn hiện nay. Tại châu Á, các thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Công (Trung Quốc), Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan, Ấn Độ, Trung Quốc là những khách hàng truyền thống và chủ chốt tiêu thụ than từ In-đô-nê-xi-a. Nhật Bản là khách hàng lớn nhất châu Á nhập khẩu than đá của In-đô-nê-xi-a. Sau thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3 vừa qua, hàng loạt nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản phải đóng cửa, buộc nước này phải tăng nguồn than nhập khẩu để phục vụ sản xuất điện. Từ nay đến cuối năm, Nhật Bản có nhu cầu bổ sung than đá khoảng năm đến mười triệu tấn, tương đương khoảng 4 – 8% tổng nhu cầu hằng năm. Hiệp hội Than và Khoáng sản In-đô-nê-xi-a cho biết sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản một khi được yêu cầu. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp khai thác than của In-đô-nê-xi-a B.Ca-man-đa-nu (APBI) nói rằng, ngành than đá của In-đô-nê-xi-a đang “được mùa”. Nhu cầu than đang tăng lên ở nhiều nơi, nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cho rằng, nhu cầu than của thị trường quốc tế sẽ tăng ít nhất trong năm năm tới. Điều này khuyến khích các mỏ của In-đô-nê-xi-a tăng sản lượng khai thác. Thực tế, tháng 2 vừa qua, In-đô-nê-xi-a sản xuất được khoảng 59 triệu tấn than, vì vậy, rất có thể năm 2011 này In-đô-nê-xi-a sẽ đạt mục tiêu sản xuất 320 triệu tấn than, sớm hơn vài năm so thời hạn đưa ra trước đây. Điều kiện khai thác than của In-đô-nê-xi-a thuận lợi, phần lớn là khai thác lộ thiên, do vậy có giá thành thấp. Sản lượng than khai thác của In-đô-nê-xi-a tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Ngoài khu vực Nhà nước và mô hình hợp tác xã tham gia hoạt động khai thác, In-đô-nê-xi-a cũng mở cửa ngành than thu hút đầu tư tư nhân, chủ yếu là của nước ngoài. Trước đây, có tới 70% tổng sản lượng than khai thác của In-đô-nê-xi-a dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ In-đô-nê-xi-a có những điều chỉnh về số lượng xuất khẩu mặt hàng này nhằm phục vụ nhu cầu trong nước đang tăng mạnh. Nhu cầu than trong nước của In-đô-nê-xi-a tăng còn bởi nước này đang xúc tiến kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện với công suất 10 nghìn mê-ga-oát vào năm 2010. Nắm bắt nhu cầu thị trường, In-đô-nê-xi-a tăng đầu tư vào khai thác khoáng sản, nhất là than đá lên 3,5 tỷ USD từ mức 2,25 tỷ USD trước đó, tương đương mức tăng 55%. Nhiều chuyên gia cho rằng, với trữ lượng khổng lồ, In-đô-nê-xi-a tiếp tục chi phối thị trường than châu Á ít nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và là nước sản xuất than duy nhất có khả năng đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh trong khu vực.
In-đô-nê-xi-a đang xúc tiến kế hoạch đầy tham vọng “Quy hoạch tổng thể tăng tốc và mở rộng tăng trưởng kinh tế In-đô-nê-xi-a” (MP3EI), trị giá khoảng 468 tỷ USD cho giai đoạn 2011-2025, nhằm đưa đất nước vào nhóm mười nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng với sự đi lên của đất nước, số người giàu nổi lên nhờ ngành năng lượng, trong đó có than, cũng tăng theo. Trong số 14 tỷ phú người In-đô-nê-xi-a giàu nhất được Tạp chí Forbes xếp hạng mới đây thì có sáu tỷ phú giàu lên từ than, trong số đó, có tới bốn người thuộc Tập đoàn năng lượng A-đa-rô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()