Ngành công nghiệp game Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển
Dù còn nhiều thách thức nhưng ngành công nghiệp game Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, đặc biệt với “miếng bánh” doanh thu trên toàn cầu của thị trường này lên tới cả trăm tỷ USD và nhiều quốc gia đang “chạy đua” để đón cơ hội lớn này.
Thị trường đầy tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển
Tại sự kiện Think Apps 2023 do Google tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 7 vừa qua, trích dẫn báo cáo của DataAI & AppMagic, đại diện Google cho hay: từ giai đoạn 2019 đến quý I/2023, Việt Nam đã nhảy vọt từ top 15 lên top 5 trên toàn cầu về lượt tải ứng dụng, tương ứng với con số 4,2 tỉ lượt tải.
Mới đây, Hãng tin nổi tiếng Bloomberg cũng đưa ra đánh giá Việt Nam là một cường quốc về game. Bloomberg dẫn số liệu cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động (mobile game) hàng đầu thế giới, tính theo lượt tải xuống trong sáu tháng đầu năm 2023.
Trụ sở một công ty game ở TP Hồ Chí Minh hiện có hai studio thiết kế và vận hành các tựa game do chính đơn vị sản xuất. Ảnh: Quỳnh Trần |
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của ngành công nghiệp game Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, game là ngành công nghiệp đóng góp rất tốt vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành game Việt Nam hiện có hai nhóm: nhóm sản xuất game và nhóm phát hành game. Chúng ta có tiềm năng rất lớn ở nhóm sản xuất game. Hiện Việt Nam có nhiều lập trình viên đạt trình độ làm game cung cấp lên hai store lớn nhất là Google và Apple. Như Apple thông báo có 180 nghìn người Việt đang làm ứng dụng, trong đó lớn nhất là game và thu được nguồn ngoại tệ. Chúng ta sản xuất game nhưng không bán trong nước mà bán ở nước ngoài, bán trên store, sau đó thu tiền nước ngoài.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, số liệu tổng hợp từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy, có khoảng 50% game di động phổ biến hiện nay có xuất xứ từ Việt Nam, có thể chúng ta làm một phần (gọi là outsourcing), hoặc viết hoàn toàn. Người Việt chiếm ưu thế rất lớn về những game đơn giản, những game phức tạp (G1) thì hiếm. Cứ 25 game tải lên các store thì có 1 game là của Việt Nam, tỷ lệ này là cao hơn nhiều so với các nước khác. Như vậy, game là ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế phát triển và thu hút được ngoại tệ của nước ngoài.
Theo số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất trên thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025. Thị trường game của Việt Nam xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu.
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động, từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động lên con số bằng với thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp, và kêu gọi khoảng 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng.
Mặc dù Việt Nam có khoảng 33 triệu người chơi game di động, đứng thứ 3 sau Thái Lan, Indonesia tại khu vực Đông Nam Á (Digital 2022: Global Overview Report), nhưng so với quy mô dân số và mức độ phát triển hạ tầng viễn thông của một số nước trong khu vực, thì doanh thu ngành game online của Việt Nam trong những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn và Việt Nam được nhìn nhận là thị trường đầy tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp game Việt Nam ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Nhưng trên thực tế, doanh thu của ngành game Việt Nam có thể lớn hơn rất nhiều.
Theo giới chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức nghiên cứu thị trường, sự phát triển hàng loạt công nghệ mới như: 5G, Blockchain, điện toán đám mây… và sự cải tiến mạnh mẽ về phần cứng thiết bị chơi game online (PC, smartphone) trong thời gian qua đã giúp Việt Nam tăng nhanh số lượng người chơi game, tăng doanh thu lợi nhuận và cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp game online của các công ty trên thế giới.
Thực tế, nhiều năm qua, nắm bắt cơ hội trong xu thế phát triển ngành game của thế giới, các công ty sản xuất và phát hành game online tại Việt Nam đã tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao để tập trung phát triển các game thuộc các thể loại như: Mmorpg (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi), Turn base (game dàn trận chiến thuật tấn công theo lượt), Moba (game đấu trường trực tuyến nhiều người chơi), Casual (game phổ thông, đơn giản), SLG (game mô phỏng chiến thuật), RPG (game nhập vai),…
Đặc biệt với lợi thế dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới, Việt Nam đang được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có gần 85% trò chơi G1 phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 76% trên tổng số trò chơi G1 phát hành.
Số lượng các công ty và cá nhân Việt Nam tham gia sản xuất và phát hành game dành cho thị trường toàn cầu khá đông đảo. Tại thời điểm năm 2021, Google thống kê tại Việt Nam có khoảng 430.000 nhà phát triển game và 70% nhà phát triển game Việt Nam đều nhắm đến thị trường game di động toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Sensor Tower và Câu lạc bộ game studio Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 game do người Việt sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào các đề tài, nội dung dành cho trẻ em, giải trí, giáo dục.
Gỡ khó cho ngành game Việt
Đánh giá nguồn nhân lực làm game của Việt Nam có năng lực tốt, chuyên môn lập trình tốt, chăm chỉ, siêng năng chịu khó. Một lập trình viên Việt thậm chí có thể tự làm sản phẩm từ A đến Z, vì vậy các start-up game ở Việt Nam rất thuận lợi để phát triển. Chỉ cần một nhóm 2-3 người, có ý tưởng và kết nối được sự đầu tư là có thể phát triển được một game. Song ông Lê Quang Tự Do cho rằng ngành game di động tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, với hạn chế lớn nhất là các doanh nghiệp chưa đi cùng nhau.
Ông cho biết: “Trong 10 năm qua, hạn chế lớn nhất của ngành game Việt Nam chọn cách đi một mình để đi nhanh nên chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển, còn cộng đồng game thì không. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn. Vì không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau”.
Các bên giỏi viết game, làm game thì không có kinh nghiệm phát hành nên tiếp cận người dùng ít. Còn các bên làm phát hành rất tốt thì tìm những game Việt chất lượng lại không tìm được. Vì vậy dẫn đến thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt sản xuất game lại không phải cho người chơi trong nước.
Bên cạnh đó còn có những bất cập đối với ngành game như việc Bộ Tài chính dự kiến đưa Thuế tiêu thụ đặc biệt vào game online, hay sự phát triển của ngành game nói riêng và internet nói chung rất nhanh, rất mạnh nhưng chính sách thì chưa theo kịp…
Chỉ ra ngành game Việt Nam đang gặp 3 vấn đề lớn, đó là cạnh tranh với game lậu xuyên biên giới; doanh nghiệp game (phát hành) không mua được game tốt từ nước ngoài vì họ bán xuyên biên giới; những nhà sản xuất game còn rất manh mún, không tập hợp đoàn kết được với nhau, ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ TT&TT đang quyết liệt để tháo gỡ ba vấn đề lớn nêu trên.
Cụ thể, với nhiệm vụ chống game lậu, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã thiết lập cơ chế thường xuyên với Google và Apple để rà quét, phát hiện và yêu cầu gỡ. Cục đã thành lập tổ/đội với 10 doanh nghiệp nòng cốt thay phiên nhau rà quét trên mạng/store để phát hiện game lậu và kịp thời yêu cầu Google và Apple ngăn chặn.
Tiếp đến là chặn thanh toán cho game. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị về các giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game. Quy định không được thanh toán cho game vi phạm pháp luật, game không phép. Hiện nay, các doanh nghiệp trung gian thanh toán, các ngân hàng vẫn đang thanh toán rất nhiều cho các thể loại game này với lý do họ không nắm được. Vì thế, Bộ kết nối, gửi danh sách những game có phép, đồng thời qua quá trình rà quét gửi những game không phép cho các đơn vị này để loại trừ.
Bên cạnh những khó khăn khách quan, nhìn chung doanh nghiệp trung gian thanh toán, các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cũng đều đồng thuận việc sắp tới sẽ quyết liệt chấn chỉnh việc này. Để chống game lậu thì có hai giải pháp lớn, đó là rà quét phát hiện, gỡ và chặn thanh toán.
Đối với vấn đề lớn thứ hai là phải có những chính sách hỗ trợ ngành game, nhất là không áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Bộ Thông tin và Truyền thông mà trực tiếp là Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc, kết nối với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Thuế để cung cấp thông tin, tình hình thực trạng và đề nghị chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt với lĩnh vực game, bởi đây là lĩnh vực đang cần sự hỗ trợ để phát triển.
Bộ cũng đang tham mưu để rút ngắn các thủ tục, như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong đó bỏ một số giấy phép của ngành game, bỏ một số thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp game phát triển.
Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu các chính sách thí điểm (sandbox) đối với các thể loại game mới như game Blockchain, game NFT, đề xuất Thủ tướng, các bộ, ngành cùng xây dựng.
Vấn đề lớn thứ ba là kết nối tập hợp để cùng nhau phát triển. Năm 2022, Bộ đã thành lập Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game và ra mắt ngày 30/6/2022, từ đó đến nay đã tổ chức được 3 hội nghị kết nối, hợp tác thúc đẩy phát triển ngành game và đã thu được những kết quả rất tích cực.
Ngày 1/4/2023 vừa qua, lần đầu tiên Cục phối hợp với một số đơn vị tổ chức Ngày hội Game, trong đó có những hoạt động rất lớn là Giải thưởng game Việt Nam, lần đầu tiên trao những giải thưởng game để khích lệ các doanh nghiệp game, các nhà lập trình viết game, ưu tiên game Việt Nam sản xuất và các hạng mục dành cho game Việt.
Trong năm nay, Cục sẽ kết nối, tập hợp với các trường đại học có nhu cầu đào tạo lập trình viên về ngành game. Hiện đã kết nối với trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông – đều là những đơn vị có nhu cầu đào tạo. Theo đó, các doanh nghiệp game sẽ nhận sinh viên từ các trường này đến thực tập, kiến tập và tuyển dụng sinh viên giỏi, xuất sắc làm đầu ra cho sinh viên.
Song song với việc tháo gỡ các nút thắt nêu trên, ông Tự Do cho biết, hiện nay Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game dưới sự chỉ đạo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đang đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi hình ảnh về game, rằng đây là ngành công nghiệp đóng góp rất tốt vào sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vừa là lập trình vừa là công nghệ, làm ngành game cho thu nhập cao… Đồng thời, khuyến khích xây dựng sản xuất phát triển các game có tính giáo dục, về văn hóa lịch sử đất nước.
Với kế hoạch truyền thông như trên, sẽ từng bước sẽ thay đổi nhận thức của cộng đồng, của người dân, xã hội về ngành game và như vậy sẽ thúc đẩy ngành này phát triển./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/nganh-cong-nghiep-game-viet-nam-con-nhieu-tiem-nang-phat-trien-644633.html
Ý kiến ()