Ngành công nghiệp an ninh tư nhân tìm hướng đi mới
Thập kỷ qua, khi Mỹ sa vào cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, ngành công nghiệp an ninh tư nhân hưởng lợi không ít từ các hợp đồng bảo đảm an ninh tại hai quốc gia đầy bất ổn này. Trong bối cảnh Oa-sinh-tơn rời khỏi hai chiến trường, các nhà thầu an ninh đang buộc phải tìm ra hướng đi mới để tồn tại.Nhiều năm qua, người dân I-rắc và Áp-ga-ni-xtan phải sống trong một đất nước bất ổn, bạo lực với nền kinh tế bị tàn phá bởi nội chiến và can thiệp quân sự. Đó là bi kịch đối với người dân ở đây nhưng lại là một thị trường béo bở của các công ty an ninh tư nhân. Một năm sau khi Mỹ đưa quân vào I-rắc nhằm lật đổ chế độ X.Hu-xê-in, mô hình an ninh tư nhân "nở rộ" tại quốc gia Trung Đông này. Thiếu nhân lực nên Mỹ ký hợp đồng thuê các công ty an ninh tư nhân bảo vệ các đoàn xe tiếp tế, căn cứ quân sự và nhân viên ngoại giao ở I-rắc. Bộ Ngoại giao Mỹ từng ký hợp đồng trị giá hàng triệu USD thuê...
Nhiều năm qua, người dân I-rắc và Áp-ga-ni-xtan phải sống trong một đất nước bất ổn, bạo lực với nền kinh tế bị tàn phá bởi nội chiến và can thiệp quân sự. Đó là bi kịch đối với người dân ở đây nhưng lại là một thị trường béo bở của các công ty an ninh tư nhân. Một năm sau khi Mỹ đưa quân vào I-rắc nhằm lật đổ chế độ X.Hu-xê-in, mô hình an ninh tư nhân “nở rộ” tại quốc gia Trung Đông này. Thiếu nhân lực nên Mỹ ký hợp đồng thuê các công ty an ninh tư nhân bảo vệ các đoàn xe tiếp tế, căn cứ quân sự và nhân viên ngoại giao ở I-rắc. Bộ Ngoại giao Mỹ từng ký hợp đồng trị giá hàng triệu USD thuê Công ty Blackwater bảo vệ các nhân viên chính phủ nước này ở I-rắc. Tại Áp-ga-ni-xtan, có khoảng 26 nghìn nhân viên an ninh tư nhân được thuê làm việc cho quân đội Mỹ, NATO, phái bộ LHQ, các tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán và các hãng truyền thông phương Tây. Trên thực tế, con số này có thể tới 40 nghìn người. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, những hợp đồng bảo đảm an ninh ký với các nhà thầu tư nhân ở Áp-ga-ni-xtan trị giá hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, công việc làm ăn của các công ty an ninh tư nhân không ổn định khi dính líu nhiều vụ bê bối và bị nước sở tại “xua đuổi”. Công ty Blackwater, một trong những nhà thầu lớn nhất hoạt động ở I-rắc từ sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tại đây năm 2003, gây ra vụ bê bối liên quan tính mạng dân thường. Tháng 9-2007, trong khi hộ tống một đoàn ngoại giao của Mỹ, các nhân viên công ty này nổ súng tại một khu vực đông người ở Bát-đa, làm 17 dân thường chết. Tại Áp-ga-ni-xtan, các nhà thầu an ninh cũng không được hoan nghênh và bị chỉ trích tham nhũng, làm việc trái quy định và lạm dụng vũ khí.
Trong bối cảnh Mỹ từ bỏ hai chiến trường I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, những công ty an ninh tư nhân làm việc cho Nhà trắng gặp không ít khó khăn. Tháng 8 vừa qua, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng bảo vệ cộng đồng Áp-ga-ni-xtan (APPF) M.Pa-tang cho biết, 37 công ty an ninh tư nhân hiện đang bảo vệ các cơ sở của NATO tại Áp-ga-ni-xtan sẽ bị giải tán và thay thế bằng lực lượng APPF. Trong tương lai, Mỹ cũng sẽ giảm ưu tiên cho các nhà thầu quân sự tư nhân. Cùng với chính sách “trở lại châu Á – Thái Bình Dương”, Mỹ đầu tư chủ yếu cho tàu chiến và lực lượng thủy quân lục chiến.
Thực trạng trên khiến các nhà thầu tư nhân buộc phải điều chỉnh và tìm hướng đi khác để tồn tại. Hình ảnh nhân viên an ninh tư nhân hiện nay không đơn thuần là những người lính được trang bị vũ khí, gác tại trạm kiểm soát. Ngành công nghiệp an ninh tư nhân đang chuyển hướng sang phục vụ các doanh nghiệp. Ngay cả khi lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014, các nhà thầu an ninh vẫn có cơ hội làm ăn với các doanh nghiệp khai khoáng do tình hình an ninh ở đây tiếp tục bất ổn. Tại I-rắc, dù các hợp đồng thuê nhân viên an ninh của chính phủ giảm xuống, những nhà thầu tư nhân vẫn duy trì hoạt động nhờ nhu cầu bảo đảm an ninh ngày càng tăng của các công ty năng lượng, nhất là khu vực thành phố dầu mỏ Bát-ra. Một số công ty an ninh tư nhân của Anh cũng chuyển sang cung cấp đội bảo vệ tàu biển trên Ấn Độ Dương và thu về hàng triệu USD.
Nhờ cải thiện chất lượng công việc, các công ty an ninh tư nhân hiện nay đang ngày càng giành được tín nhiệm. Một số nhà thầu tham gia gỡ bom mìn, cung cấp hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Phi (AMISON). Thậm chí, một số nước còn ủng hộ việc thuê dịch vụ an ninh tư nhân cho các hoạt động chung của LHQ. Tuy nhiên, LHQ chưa thống nhất được mức độ tham gia của lực lượng này trong các hoạt động bảo đảm an ninh của LHQ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()