Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô xét tuyển tổ hợp môn nào?
Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô đang dành về phần lớn sự quan tâm từ những thí sinh theo học khối tự nhiên.
Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô đang được nhiều trường đại học ở nước ta đào tạo với ngưỡng điểm chuẩn thuộc top đầu. Theo dự đoán, trong tương lai ngành học này hứa hẹn mang đến thị trường việc làm đầy tiềm năng và vô cùng rộng mở dành cho sinh viên.
Để biết ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô xét tuyển những tổ hợp môn nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô thi khối nào?
Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức nhiều lĩnh vực: cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử và công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô.
Đồng thời, ngành học tập trung khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô, điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng.
Vì thế, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô thường tuyển sinh các tổ hợp môn thuộc khối tự nhiên. Tùy từng trường đại học sẽ có khối thi xét tuyển riêng, phù hợp với tiêu chí tuyển sinh trường.
Dưới đây là một số tổ hợp môn phổ biến đang được nhiều trường sử dụng để xét tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, thí sinh có thể tham khảo thêm để đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất với năng lực bản thân.
- A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh
- A02: Toán, Vậy lý, Sinh học
- B00: Toán, Hóa học, Sinh học
- C01: Toán, Ngữ văn, Vật lý
- D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh
- D07: Toán, Hóa học, tiếng Anh
- D90: Toán, Khoa học Tự nhiên, tiếng Anh
Cơ hội việc làm ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô
Với những kiến thức được học, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô có thể đảm nhận công việc tại nhiều vị trí khác nhau như: Kỹ sư vận hành, giám sát sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô hoặc bạn cũng có thể đảm nhận các vị trí quản lý, điều khiển máy động lực tại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng ô tô. Sinh viên cũng có thể làm kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm ô tô hay nhân viên kinh doanh tại các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô.
Mức lương trung bình của ngành học này cũng khá cao so với mặt bằng chung. Khi sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô của Đại học Bách khoa ra trường có thể nhận ngay mức lương 15 – 16 triệu đồng/tháng. Sau 3 – 5 năm tích lũy kinh nghiệm, thu nhập của họ có thể tăng gấp đôi, ba.
Trong khi đó, sinh viên vừa ra trường của một số trường khác có mức lương dao động từ 6 – 15 triệu đồng mỗi tháng. Sau 5 năm, mức lương này được cải thiện, lên 15 – 50 triệu đồng, có thể cao hơn rất nhiều nếu bạn được nhận vào làm việc tại các tập đoàn lớn, công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, mức lương còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như năng lực chuyên môn, kỹ năng, hiệu suất làm việc.
Nếu đam mê ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh của một số trường đại học top đầu như: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Nguồn: https://vtc.vn/nganh-cong-nghe-ky-thuat-o-to-xet-tuyen-to-hop-mon-nao-ar851892.html
Theo vtc.vn
Ý kiến ()