Đó là kết luận được ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đưa ra trong Báo cáo “Tác động của các FTA ( Hiệp định Thương mại tự do) và BIT ( Hiệp định Đầu tư song phương) hiện hành và đang đàm phán đối với ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam”.
Hàng hóa bị cạnh tranh ngay tại các nước nhập khẩu…
Ngành chế biến thực phẩm là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ngành này đã chứng kiến mức tăng trưởng ổn định trong suốt một thập kỷ qua. Vào năm 2012, ngành chế biến thực phẩm đóng góp 20% cho Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quốc gia và giá trị xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD.
Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, các hiệp định FTA và BIT mà Việt Nam đang tham gia có thể đem lại một số lợi ích trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với nền công nghiệp nội địa nếu như Chính phủ không có các biện pháp chặt chẽ để bảo vệ thị trường.
Có thể nói, điểm mấu chốt của các cam kết FTA và BIT là giảm bớt hàng rào thuế quan. Trong khi việc này có thể thúc đẩy xuất khẩu trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chẳng hạn, rất có thể các nước giàu sẽ xây dựng các hàng rào phi thuế quan tinh vi (NTBS) để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của mình, do đó trên thực tế đó sẽ cản trở xuất khẩu của Việt Nam.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu thực sự gặp khó khăn với các quy định NTBs nghiêm ngặt của nước nhập khẩu. Nhiều loạt rào cản phi thuế quan, vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và biện pháp bảo hộ tạm thời đã gây khó khăn cho các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Một thí dụ điển hình cho thực tế này là tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm tôm chế biến. Tôm chế biến của Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu từ chối do dư lượng kháng sinh và hóa chất vượt mức cho phép. Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với sản phẩm tôm từ Việt Nam, điều hạn chế khả năng tiếp cận những thị trường phát triển của Việt Nam.
Liên hiệp châu Âu trước đó cũng thể hiện quan ngại với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam do hàm lượng thuốc trừ sâu cao trong rau húng quế, hạt tiêu, cần tây, khổ qua và rau mùi.
Và bị cạnh tranh ngay trên “sân nhà” bởi các doanh nghiệp FDI cùng ngành
Nhiều năm qua, Việt Nam đang cố gắng thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam do kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi từ “hiệu ứng lan tỏa” của các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước sẽ tăng năng suất và tiếp thu được công nghệ mới từ các công ty đa quốc gia.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy rõ ích lợi từ “hiệu ứng lan tỏa” của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa tại các nền kinh tế đang phát triển. Thay vào đó, “hiệu ứng lan tỏa” này lại có ảnh hưởng xấu đến năng suất doanh nghiệp cùng ngành (tức là hiệu ứng giữa công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước hoạt động trong cùng lĩnh vực).
Điều này có thể thấy rõ từ thực tế khi các tập đoàn đa quốc gia đang dần loại bỏ các đối thủ trong nước không có khả năng cạnh tranh, và nói theo khái niệm “khả năng hấp thụ”, các doanh nghiệp trong nước có thể không có khả năng dung nạp, thích ứng hay tiếp nhận tri thức từ các tập đoàn đa quốc gia.
Theo khảo sát của AAV, 26% doanh nghiệp được khảo sát tin rằng áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI sẽ rất lớn, trong khi hơn một nửa số doanh nghiệp cho rằng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI sẽ không khác gì so với doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, ngành chế biến thực phẩm có vẻ sẽ ít chịu áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới, khi mà 65% doanh nghiệp được hỏi không cho rằng áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, nhận định này có thể là do doanh nghiệp không-hiểu-tường-tận những rủi ro và cơ hội mà các hiệp định tự do hóa thương mại đem đến cho lĩnh vực của mình.
Sáu khuyến nghị
Để bảo đảm phát triển sinh kế cho bà con nông dân tại các vùng nông thôn nghèo, Việt Nam cần có chiến lược ứng phó với thị trường đang thay đổi và tăng cường chất lượng sản phẩm nội địa để tăng cạnh tranh cho các sản phẩm trong nước.
Theo đó, thứ nhất, cần thiết lập một đơn vị điều phối trực thuộc Bộ Công thương để cung cấp thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp trong nước về FTA và BIT, nhất là về định hướng, ưu tiên và đánh giá rủi ro và cơ hội.
Thứ hai, cần duy trì một không gian chính sách hợp lý để bảo đảm Chính phủ có khả năng điều chỉnh chính sách phù hợp trong trường hợp tình hình kinh tế ‐ xã hội có bất ổn và rủi ro cho ngành nông nghiệp.
Thứ ba, cần tập trung vào các quy định về chất lượng và kỹ thuật để doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, qua đó giúp mở rộng thị trường cho Việt Nam; đồng thời bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các mặt hàng ngoại nhập có chất lượng thấp.
Thứ tư, cần thúc đẩy khả năng liên doanh trong ngành chế biến thực phẩm để doanh nghiệp trong nước có thể kết nối với mạng lưới và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ năm, cần bảo đảm các hướng dẫn nhập khẩu ưu tiên các sản phẩm không thể sản xuất trong nước và các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng để bảo đảm tính cạnh tranh của các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Thứ sáu, cần xây dựng các giải pháp bảo hộ tiên tiến ‐ các hàng rào phi thuế quan phù hợp với các hiệp định thương mại song vẫn hạn chế được hàng hóa nước ngoài được hưởng thuế suất thấp xâm nhập thị trường.
Ý kiến ()