Ngành chăn nuôi phấn đấu mở rộng thị trường trong năm 2017
Năm 2016, ngành chăn nuôi đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (5,4%). Có được kết quả trên là một nỗ lực lớn của ngành, doanh nghiệp, người chăn nuôi. Bước sang năm 2017, ngành chăn nuôi phấn đấu tiếp tục đà tăng trưởng và không ngừng mở rộng thị trường.
Xung quanh những kết quả của ngành chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Phóng viên (PV): Năm 2016, ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và ghi dấu ấn ở cả hai mặt hàng thịt lợn và gà với sản lượng cao. Xin ông cho biết thêm về kết quả này?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Năm 2016 là năm ngành chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Riêng sản phẩm thịt lợn có tăng trưởng đột biến; số lượng lợn nái cả nước tăng xấp xỉ 1 triệu con, tổng sản lượng sản xuất ra cũng hơn mọi năm khoảng hơn 1 triệu tấn. Thịt gia cầm năm nay đạt 371 triệu tấn, cũng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng xấp xỷ 10% so với hàng năm.
Như vậy, hai sản phẩm chính năm nay của ngành chăn nuôi tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt chất lượng tăng trưởng tương đối tốt. Hầu hết giống lợn, sản phẩm thịt lợn đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của nội địa, có một số xuất khẩu đi nước ngoài.
Với sản phẩm thịt gà, thịt gà lông màu chiếm tỷ lệ tương đối cao, cao hơn 7,8% so với năm ngoái, đưa tỷ lệ gà lông màu chiếm 65% số gia cầm cả nước. Như vậy, các sản phẩm đã đi đúng thị hiếu chung của xã hội cũng như mang lại giá trị cho người chăn nuôi.
PV: Năm 2017 là năm Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu thịt gà. Xin ông cho biết cụ thể về kế hoạch thực hiện?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Trong năm 2016, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức một đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Bộ và các cơ quan chuyên môn của Bộ, đề xuất chương trình sản xuất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và đặc biệt là an toàn sinh học để xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Vấn đề này đã được lãnh đạo Bộ rất hoan nghênh. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp lớn tỉnh Đồng Nai đang triển khai những công việc kế tiếp để đi xúc tiến thị trường ở Nhật Bản.
Nếu được phía Nhật Bản đồng ý thì các tổ chức của Nhật Bản sẽ tiến hành kiểm tra các điều kiện và phát triển chăn nuôi của ta. Sau đó sẽ có các cam kết của các doanh nghiệp để xuất khẩu. Cùng với đó, hiện nay, Bình Phước cũng là tỉnh có số lượng trang trại phát triển rất lớn, đang tổ chức tiếp cận xúc tiến thương mại, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tập trung vào thị trường Nhật Bản và EU và một số thị trường ở châu Á. Trong năm 2017, khả năng sẽ có những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính.
PV: Hiện nay, cùng với thị trường Trung Quốc, sản phẩm chăn nuôi của chúng ta còn xuất khẩu sang những thị trường nào, thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Hiện nay, xuất khẩu tiểu ngạch chính của chúng ta vẫn là Trung Quốc nhưng chính ngạch thì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaxia, Đài Loan với sản phẩm thịt lợn sữa và đã qua chế biến. Trong năm 2016 có một số địa phương làm việc với một số thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, để chuẩn bị tâm thế xuất khẩu trong năm 2017.
PV: Hiện nay, trong phát triển chăn nuôi, vẫn còn tồn tại việc sản phẩm chăn nuôi bị ép giá hoặc còn tồn đọng sản phẩm khi xuất bán. Xin ông cho biết giải pháp về vấn đề này?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh, chỉ đạo các địa phương điều chỉnh sản lượng, cảnh báo các doanh nghiệp lớn, các chủ trang trại căn cứ vào thị trường, trên cơ sở đó, chúng ta có quyết định để phát triển sản phẩm.
Vì vậy, chúng tôi đã có cảnh báo để các khu vực chuẩn bị tâm thế, biết thị trường để mở rộng hoặc thu hẹp sản xuất. Về mặt Nhà nước, sang năm 2017 cố gắng đàm phán với các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc để chúng ta có xuất khẩu chính ngạch, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp ký kết với nhau, tiêu thụ theo kế hoạch, đảm bảo sự phát triển bền vững. Thông qua đó, chúng ta mới xây dựng được các vùng sản phẩm đảm bảo yêu cầu các nước nhập khẩu, đồng thời tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
PV: Công tác giống rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Trong năm 2016, với sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn, công tác giống của ngành chăn nuôi đã có sự cải thiện như thế nào thưa ông?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Năm 2016 có thể khẳng định là năm đột biến về đầu tư của ngành chăn nuôi. Năm 2016, đầu tư vào chăn nuôi cỡ một vài tỷ USD nhằm cho việc xây dựng các khu sản xuất chăn nuôi. Vì vậy, khâu giống nhập về Việt Nam rất nhiều, và hầu hết các doanh nghiệp đầu tư rất bài bản, từ sản xuất giống đến chuồng trại, kỹ thuật; công tác quản lý ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi nên chất lượng giống năm 2016 được nâng lên đáng kể. Trong đó, đảm bảo 80% giống lợn là giống tiến bộ kỹ thuật; còn giống gia cầm các nhà sản xuất ở Việt Nam đã tự chủ được nhiều, đồng thời đã xây dựng được một số tổ hợp lai mới, đã có được một số sản phẩm cung cấp cho thị trường và được thị trường chấp nhận rất tốt.
PV: Trong năm 2017, ngành chăn nuôi có những cơ chế chính sách nào để thu hút các nhà doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Hiện nay có hai chính sách lớn để tác động đến chăn nuôi: Nghị định 210 của Thủ tướng quy định hoạt động công nghệ cao (các loại giống cho chất lượng cao, sản phẩm tốt) và Quyết định 50 của Thủ tướng quy định việc hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi nông hộ. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đã có các chính sách riêng để thu hút đầu tư. Đặc biệt là mới đây, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ nguồn tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp rất phấn khởi. Hiện nay, họ đang khai thác tích cực các nguồn kinh phí cũng như các nguồn kỹ thuật.
PV: Xin ông cho biết, năm 2017 ngành chăn nuôi sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì?
Cục trưởng Hoàng Thanh Vân:Năm 2017, ngành chăn nuôi tập trung vào 4 vấn đề. Trước hết là kiên trì nhiệm vụ của tái cơ cấu, đặc biệt là triển khai các nội dung đã được tổng kết trong năm 2016; thứ hai là tập trung mạnh mẽ cho việc tổ chức sản xuất để liên kết theo chuỗi giá trị và ngành hàng để khuyến khích các chuỗi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm; thứ ba là mạnh mẽ đề xuất cùng với các hiệp hội và doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, xây dựng thị trường mới, đặc biệt là cung cấp thị trường để người chăn nuôi tự quyết định sản phẩm; thứ tư là chú trọng công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh đó, còn có một số nội dung khác mang tính chuyên ngành thì hầu hết các đơn vị đã thực hiện tốt trong năm 2016.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()