Ngành chăn nuôi hướng tới chuyên nghiệp và hiệu quả
Công đoạn xếp trứng ở trang trại gà đẻ của Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước).
Những thành công đáng ghi nhận
Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn 2008 – 2018, với sự nỗ lực vượt bậc, ngành chăn nuôi nước nhà đã đạt nhiều thành công đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 đến 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 4,5 đến 5%, từ năm 2016 đến 2018 đạt trung bình 6%/năm. Sản lượng thịt các loại tăng hơn 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần năm tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn). Đặc biệt, tổng đàn bò sữa tăng mạnh, từ 108 nghìn con năm 2008 lên 294,4 nghìn con năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%/năm. Sản lượng sữa tươi tăng nhanh, với sự góp sức của các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực kinh tế như: TH True Milk (Nghệ An), Vinamilk (TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tuyên Quang….), sữa Mộc Châu (Sơn La). Một số sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn sữa, trứng vịt muối, mật ong, tổ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa) được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực, châu lục và thế giới. Có sự chuyển dịch mạnh từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp.
Nhờ chuyển đổi tổ chức sản xuất, đầu tư trang trại hiện đại, giống năng suất cao, cho nên năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi được cải thiện đáng kể; nếu xét tổng thể thì nước ta đang thuộc nhóm trung bình, nhưng tính ở khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì Việt Nam ngang bằng các nước phát triển trong khu vực. Số lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi (SPCN) tăng, góp phần quan trọng duy trì vị thế của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp chế biến TĂCN, sữa đứng đầu trong các nước ASEAN. Đã hình thành nhiều chuỗi liên kết khép kín tại hầu hết các địa phương trong cả nước, dưới những hình thức như: Chăn nuôi gia công, hợp tác xã chăn nuôi, DN và nông dân cùng làm. Điển hình như chuỗi sản xuất thịt lợn, gia cầm của Công ty CP Việt Nam, Dabaco…; chuỗi sản xuất trứng gia cầm của Công ty CP Ba Huân, Emivest, Hợp tác xã Tiên Viên. Cùng sự đầu tư bài bản, hiện đại từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của nhiều DN: Đức Việt, Hùng Vương…, việc chế biến SPCN đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, nhờ chủ trương xã hội hóa để mọi thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển chăn nuôi được khuyến khích, tạo điều kiện phù hợp tinh thần đổi mới, kiến tạo của Chính phủ, thời gian qua, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội khá lớn, nhất là trong sản xuất TĂCN với phần lớn vốn đầu tư là của DN tư nhân, có nhiều hãng TĂCN lớn trên thế giới và trong nước tham gia: Cargill, CJ, Massan, Hòa Phát…
Vì sao một số chỉ tiêu chưa đạt?
Bên cạnh những việc làm tốt, theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, một số chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược chưa đạt như: Tỷ trọng trung bình ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 30,5%, năm 2018 đạt 32%, thấp hơn so mục tiêu đặt ra: 38% vào năm 2015 và 42% vào năm 2020. Thực tế trong giai đoạn 2008 – 2018, đàn lợn chỉ đạt tốc độ tăng 0,5%/năm, thấp hơn khá nhiều so với định hướng của Chiến lược. Từ năm 2008 đến 2018, sản lượng thịt gia cầm tăng từ 448,2 nghìn tấn lên 1.097,5 nghìn tấn, tốc độ tăng bình quân là 9,4%/năm; nhưng mới chỉ đạt khoảng 50% so mục tiêu đề ra là năm 2018 đạt 2.239,2 nghìn tấn…
Nguyên nhân là do chưa có nhiều đột phá trong nghiên cứu khoa học chăn nuôi, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất còn gặp khó khăn. Tổ chức sản xuất chăn nuôi thiếu tính liên kết, quản trị kém do chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm số đông; chưa chú trọng đến chế biến sâu nên SPCN thiếu tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường chưa tốt, nhất là trong khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ. Tổ chức quản lý ngành chăn nuôi, thú y còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Mặt khác, chúng ta chưa đánh giá hết vai trò quan trọng của yếu tố thị trường đối với sự phát triển của ngành hàng thịt lợn và yếu tố đất đai dành cho không gian chăn thả đối với chăn nuôi trâu, bò thịt. Người chăn nuôi vẫn thiếu vốn, quỹ đất để đầu tư và phát triển trang trại chăn nuôi. Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh Trần Xuân Đông cho biết, quy hoạch chăn nuôi đi sau cho nên việc dành quỹ đất rất khó khăn do trùng với các lĩnh vực khác. Vì vậy, cần sớm ban hành quy định về diện tích chăn nuôi chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong phát triển nông nghiệp. Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, chăn nuôi là ngành kinh tế – kỹ thuật, bảo đảm an toàn sinh học (ATSH) và ATTP, bảo vệ môi trường, vì vậy tới đây cần tập trung xử lý vấn đề môi trường…
Những mục tiêu phấn đấu đến năm 2030
Theo Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040, dự thảo Chiến lược đã đề ra một số đề án liên quan các lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để thực hiện trong thời gian tới, gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi và chế biến TĂCN, công nghiệp giết mổ, chế biến SPCN theo chuỗi, bảo đảm ATTP. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ và xúc tiến thương mại ngành chăn nuôi, thú y. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, bền vững theo chuỗi giá trị, chăn nuôi ATSH, ATTP, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ gắn với chăn nuôi truyền thống. Nâng cao sức cạnh tranh của ngành trên cơ sở ứng dụng nhanh khoa học và chuyển giao công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ 4.0. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi để phát triển phù hợp kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai trong quá trình thực hiện, đồng thời tháo gỡ những khó khăn về tích tụ đất đai, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô trang trại chăn nuôi khép kín và an toàn. Có thêm các chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến và liên kết các DN chăn nuôi trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ sinh học, hướng đến chăn nuôi an toàn và bảo vệ môi trường.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn mới. Mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Phần lớn SPCN hàng hóa được sản xuất ở những trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường, bảo đảm ATTP, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, ngành chăn nuôi phấn đấu tổng đàn lợn có khoảng 29 đến 30 triệu con; tổng đàn gà từ 400 đến 450 triệu con, với 60% trở lên nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm khoảng 100 đến 120 triệu con; đàn bò sữa đạt quy mô từ 600 đến 650 nghìn con, đàn bò thịt có từ 6 đến 6,5 triệu con, ít nhất 70% tổng đàn được nuôi trong các nông hộ; đàn dê, cừu có từ 4 đến 4,5 triệu con.
Theo Nhandan
Ý kiến ()