Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh tái cơ cấu để hội nhập quốc tế
Được đánh giá là ngành gặp nhiều rủi ro và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức có hiệu lực. Thực tế, sản xuất chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài, tồn tại nhiều khâu trung gian,… là những nguyên nhân làm cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngành chăn nuôi của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực.
Đứng trước sức ép cạnh tranh do hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi |
Cơ hội cho ngành chăn nuôi đẩy mạnh tái cơ cấu
Theo ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, tham gia hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ được tiếp cận nhanh hơn khoa học – công nghệ hiện đại, giống vật nuôi, các sản phẩm mới cùng với các hình thức sản xuất tiên tiến. Ngành chăn nuôi chịu sức ép buộc phải thúc đẩy nhanh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành.
Bên cạnh đó, việc hội nhập kinh tế cũng thúc đẩy việc các cơ quan quản lý chăn nuôi ở cấp Trung ương, địa phương và các tổ chức, các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi thay đổi tư duy, đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý và phương thức sản xuất để tham gia hội nhập. Đặc biệt, tham gia TPP, khi thuế suất về 0%, ngành chăn nuôi sẽ được hưởng lợi khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, trang thiết bị chăn nuôi… từ các nước đối tác; góp phần giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi. Hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi về lâu dài có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế như: Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn sang vùng Đông Bắc Á và vùng Đông Âu, trứng vịt muối sang một số nước ASEAN và Nam Á, mật ong sang Mỹ và EU… Ngành chăn nuôi cũng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành, nhất là chăn nuôi công nghệ cao.
Theo Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam – Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, TPP là Hiệp định cấp cao nhất với cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (kể từ năm 2015) để chuẩn bị trước sức ép của “cuộc chơi” này. Đây là cơ hội vàng về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành các sản phẩm: Thịt, trứng, sữa, kể cả các sản phẩm có lợi thế như giống đặc sản, giống bản địa, vịt chạy đồng,… cũng phải giảm giá thành, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm.
Thách thức không nhỏ
Theo Cục trưởng Cục chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, trong 2 năm qua, ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt tính trong vòng 10 tháng năm 2015, các sản phẩm ngành chăn nuôi đều tăng ở mức khá hơn năm 2014, trong đó có những sản phẩm tăng gấp 1,5 lần. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi nước nhà vẫn tồn tại những nhược điểm cố hữu, những tồn tại cơ bản cần nhìn nhận thấu đáo để tìm ra những giải pháp cho việc hội nhập theo Hiệp định TPP.
Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi được đánh giá là ngành kinh tế bị tổn thương nhiều nhất khi nước ta tham gia một loạt các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời và khi TPP “phủ sóng” tới Việt Nam. Bởi, hiện nay, ngành chăn nuôi nước nhà còn gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể, hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao. Chăn nuôi nông hộ đang chiếm 65 – 70% về đầu con. Chăn nuôi trang trại còn khiêm tốn về quy mô và mức đầu tư, tỷ lệ đầu tư công nghệ cao thấp. Tỷ lệ chăn nuôi theo quy trình VietGAP còn khiêm tốn. Cả nước hiện có 186 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được công nhận.
Mặt khác, doanh nghiệp chăn nuôi còn quá ít, quy mô nhỏ, đầu tư vào chăn nuôi thấp. Đồng thời, chăn nuôi ở Việt Nam đang có năng suất lao động quá thấp. Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động, còn ở Việt Nam cần 15-20 người. 1 nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi 1 công nhân Việt Nam chỉ nuôi bình quân khoảng 5.000 con.
Thêm nữa, ngành chăn nuôi chất lượng con giống còn thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng cao làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp. Đặc biệt, một trong những thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước tham gia TPP, các nước tham gia FTA khác và so với một số nước ASEAN.
Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt. Các sản phẩm chăn nuôi của một số nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với ngành chăn nuôi của Việt Nam.
Cần tăng cường công tác truyền thông về TPP
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, việc tìm ra những giải pháp hiệu quả cho ngành chăn nuôi để hội nhập quốc tế là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay; trong đó, thời điểm hiện tại, cần chú trọng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về TPP.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc, để giải quyết những khó khăn hiện tại của ngành chăn nuôi Việt Nam, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực.
Trong đó, về giống vật nuôi, nhanh chóng củng cố và làm tốt theo hệ thống giống 4 cấp, tập trung chọn tạo một số giống bản địa, chọn tạo một số bộ giống phục vụ phương thức chăn nuôi bán chăn thả, phù hợp với lợi thế từng vùng sinh thái, góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành và tăng khả năng của sản phẩm chăn nuôi.
Về thức ăn chăn nuôi, quản lý tốt việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chất lượng như công bố với giá bán hợp lý, có sự kiểm soát của quản lý nhà nước về khung giá bán; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc cố tình sử dụng các chất cấm, lạm dụng kháng sinh.
Về thú y, chủ động khống chế dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; xây dựng thành công vùng chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh đã được Bộ NN&PTNT quy hoạch và nhân thêm nhiều vùng an toàn dịch bệnh khác ở các vùng chăn nuôi trọng điểm, có lợi thế để chăn nuôi xuất khẩu; tiếp tục rà soát để loại bỏ các khoản phí, lệ phí thú y không phù hợp, góp phần giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo quản lý tốt việc phòng chống dịch bệnh.
Về công tác giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, từng địa phương cần xây dựng lộ trình để xây mới và nâng cấp các cơ sở giết mổ công nghiệp, tập trung giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y; quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ, các khu giết mổ tập trung về nguồn gốc vật nuôi đưa đến giết mổ, về vệ sinh thú y cơ sở giết mổ và xử lý môi trường.
Thêm vào đó, cần tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi, lựa chọn hình thức liên kết phù hợp và hiệu quả. Đây là giải pháp quan trọng để loại bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Khi các chuỗi được hình thành sẽ thuận lợi cho việc xây dựng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá thông tin tuyên truyền về sản phẩm, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và làm tăng sức cạnh tranh. Có thể xem đây là giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()