Ngành cao-su hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững
Nắm bắt xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh để vững vàng hội nhập thị trường quốc tế, nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao-su Việt Nam (VRG) đã “đi trước, đón đầu” áp dụng quy trình sản xuất, kinh doanh gắn liền với phát triển kinh tế-bảo vệ môi trường-trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Công nhân Công ty cổ phần Cao-su Tân Biên (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) thu hoạch mủ cao-su.
Từ 5 năm trước, VRG đã triển khai thí điểm Chương trình quản lý rừng cao-su bền vững với việc thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là tiền đề để các đơn vị thành viên VRG mở rộng quy mô, diện tích rừng và các nhà máy được công nhận chứng chỉ xanh.
Xanh hóa từ vườn cây
Đi trên những con đường lô cao-su xanh mướt giữa mùa cao điểm thi đua nước rút thu hoạch mủ cuối năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Đan, Phó Giám đốc Nông trường cao-su An Lộc thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Cao-su Đồng Nai (Cao-su Đồng Nai) chia sẻ, Nông trường An Lộc có diện tích hơn 3.200 ha cao-su trải dài trên địa bàn 11 xã, phường thuộc ba huyện, giáp với các khu dân cư và hai khu công nghiệp. Đơn vị duy trì thực hành các tiêu chuẩn Chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM đã được công nhận từ năm 2020 đến nay. Trong đó, việc bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
“Tại nông trường, từ các vườn cây cao-su đến các lán trại bảo vệ, trạm tập kết mủ… luôn bảo đảm giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhờ có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, giá xuất khẩu cao-su nâng lên, theo đó, tiền lương công nhân cũng tăng theo. Hiện tại, An Lộc là một trong ba nông trường dẫn đầu sản lượng của Cao-su Đồng Nai. Tháng 9 vừa qua, tổng thu nhập bình quân của công nhân đạt 11,5 triệu đồng/tháng” – ông Nguyễn Ngọc Đan tự hào cho biết.
Từ 5 năm trước, VRG đã triển khai thí điểm Chương trình quản lý rừng cao-su bền vững với việc thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là tiền đề để các đơn vị thành viên VRG mở rộng quy mô, diện tích rừng và các nhà máy được công nhận chứng chỉ xanh. |
Cho đến nay, Cao-su Đồng Nai đã hoàn thành phương án Quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2045 với tổng diện tích gần 33.000 ha cao-su. Trong hai năm (2020-2021), Tổng công ty được Tổ chức GFA cấp Chứng nhận chứng chỉ rừng VFCS/PEFC-FM cho bốn nông trường bao gồm: An Lộc, Bình Lộc, Hàng Gòn, Túc Trưng với tổng diện tích được chứng nhận hơn 11.000 ha. Ngoài ra, Tổng công ty còn được Tổ chức Chứng nhận SGS Việt Nam cấp Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm CoC/PEFC cho ba nhà máy có tổng công suất hơn 40.000 tấn cao-su thiên nhiên/năm.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao-su Dầu Tiếng hiện đang quản lý tổng diện tích hơn 28.000 ha. Trong đó, vườn cây cao-su của công ty nằm trải dài trên 16 xã, thị trấn thuộc huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng và thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cao-su Dầu Tiếng cho biết: “Nhằm đẩy mạnh thương hiệu, hướng đến phát triển bền vững, Công ty cao-su Dầu Tiếng đã tham gia Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019-2024 của VRG, xây dựng các chứng chỉ nhằm mục đích xác định doanh nghiệp tuân thủ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế”.
Từ năm 2019, công ty đã thực hiện Chứng chỉ rừng bền vững với diện tích 4.000 ha tại hai nông trường. Năm 2020, công ty tiếp tục mở rộng thêm diện tích tham gia Chứng chỉ với 4.000 ha tại ba nông trường. Đến nay, công ty được Tổ chức GFA đánh giá và cấp chứng nhận Quản lý rừng bền vững với diện tích 8.000 ha thuộc bốn nông trường: Đoàn Văn Tiến, Trần Văn Lưu, Thanh An và Bến Súc.
Phó Giám đốc Nông trường cao-su Bến Súc Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết, để giữ vững được chứng chỉ xanh, đơn vị chỉ đạo các tổ, thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường trong vườn cây, cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân lao động, bảo đảm chất lượng mủ từ vườn cây khi giao nộp, không để lẫn tạp chất, giao sản phẩm đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Nhờ đó, trong đợt đánh giá kiểm tra định kỳ hồi giữa tháng 10/2023, đoàn công tác của Tổ chức GFA đã đánh giá nông trường đạt được yêu cầu chứng chỉ xanh trong năm nay.
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chứng chỉ Quản lý rừng bền vững tại các đơn vị thuộc VRG đi vào nền nếp là nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người lao động. Ông Phạm Minh Thuận, Giám đốc Nông trường cao-su Bố Lá (Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa) cho biết: Đội 5 của nông trường được công ty chọn làm thí điểm thực hiện chứng chỉ Quản lý rừng bền vững.
Qua thời gian thực hiện, nhận thức của người lao động về bảo vệ môi trường chuyển biến rất rõ. Công nhân không còn vứt rác bừa bãi trong lô cao-su mà thu gom gọn gàng, qua đó lan tỏa ý thức giữ gìn vệ sinh của một bộ phận dân cư lân cận nông trường. Họ cùng chia sẻ ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn.
Ông Đinh Ngọc Ánh, Trưởng Phòng Nông nghiệp Công ty cổ phần Cao-su Bà Rịa khẳng định: Mặc dù quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, nhưng công ty xác định mục đích thực hiện các chứng chỉ Quản lý rừng bền vững là phục vụ mục tiêu phát triển tương lai nên chúng tôi thực hiện xuyên suốt, lâu dài chứ không phải để đối phó.
Qua cách làm, ý thức người lao động nâng lên, người dân có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp. Nhờ đó, từ năm 2020-2022, công ty được công nhận đứng trong Tốp 100 doanh nghiệp bền vững . Năm 2023, công ty tiếp tục lập hồ sơ đăng ký Tốp 100 doanh nghiệp bền vững.
Công nhân chế biến mủ cao-su tại Nhà máy chế biến An Lộc (Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao-su Đồng Nai).
Đón cơ hội từ chuỗi hành trình sản phẩm xanh
Những ngày này, Nhà máy chế biến cao-su An Lộc thuộc
Tổng công ty Cao-su Đồng Nai đang chạy hết công suất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Chánh, Quản đốc nhà máy thông tin: Đến nay, nhà máy đã chế biến được 5.500 tấn, đạt 91,7% kế hoạch cả năm là 6.000 tấn mủ.
Trong đó, có 50% chủng loại sản phẩm giá trị cao như mủ CV xuất khẩu đi các thị trường “khó tính” Đức, Nhật Bản… Các sản phẩm của nhà máy được các tập đoàn lớn “chọn mặt, gửi vàng” là nhờ đáp ứng được quy trình chuỗi hành trình sản phẩm xanh từ vườn cây đến nhà máy (CoC/PEFC) do Tổ chức SGS Việt Nam cấp chứng nhận.
“Thực hiện được chuỗi hành trình sản phẩm xanh giúp giá trị thương hiệu của Tổng công ty nâng lên vì quốc tế đang quan tâm đến tăng trưởng xanh. Với định hướng quan tâm hàng đầu là phát triển bền vững, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường xanh-sạch cho cộng đồng, dự kiến tương lai, thị trường xuất khẩu của công ty sẽ rất khả quan. Hiện, nhà máy đang xuất khẩu cho khách hàng Đức mỗi tháng ba container và xuất khẩu sang Nhật Bản hàng nghìn tấn cao-su chủng loại giá trị cao” – ông Nguyễn Hữu Chánh cho biết.
Tuy nhiên, để nhận được chứng chỉ xanh, phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải qua hành trình không hề dễ dàng. Cùng với Công ty Cao-su Dầu Tiếng, Công ty Cao-su Phú Riềng, Công ty cổ phần Cao-su Bình Long (tỉnh Bình Phước) là một trong những đơn vị đầu tiên được VRG chọn triển khai Chương trình quản lý rừng cao-su bền vững đầu tiên của Tập đoàn từ năm 2019.
Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Công nghiệp, Công ty Cao-su Bình Long kể lại, vào thời điểm mới triển khai, tiêu chuẩn chứng nhận về quản lý rừng bền vững (PEFC) chưa được cụ thể hóa theo đặc thù của Việt Nam.
Toàn bộ hệ thống tài liệu, các quy định đều phải làm theo khuôn mẫu của hệ thống PEFC quốc tế, nên không dễ thực hiện. “Khó nhưng với quyết tâm từ lãnh đạo công ty, nông trường và tổ đội cùng với sự hưởng ứng tích cực của người lao động nên mọi việc đến nay đã đi vào ổn định”, ông Bình chia sẻ.
Ngoài 100% diện tích cao-su và rừng trồng sản xuất đều đạt chứng nhận Quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế VFCS/PEFC/FSC…, Công ty Cao-su Bình Long đã xây dựng ba hệ thống xử lý nước thải tại hai xí nghiệp với công suất 2.000 m3/ngày đêm; lắp đặt hai hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục, để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Nước xả thải ra môi trường luôn đạt cột A, có thể tái sử dụng. Đặc biệt, bùn thải từ dây chuyền chế biến mủ dùng nuôi trùn quế, tạo ra phân hữu cơ sinh học với chu trình sản xuất khép kín theo hướng phát triển bền vững. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học giúp cây trồng phát triển tốt, tăng khả năng chống sâu bệnh, giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ được môi trường.
Để chuyển đổi xanh, Công ty cổ phần Cao-su Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) thường xuyên tổ chức phân loại rác thải, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, công ty còn tiếp tục phương án tuần hoàn, tái sử dụng phục vụ cho các hoạt động sản xuất. Nhờ đó, vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các nhà máy của công ty luôn giữ được môi trường xanh, sạch, thoáng đãng.
Ông Trương Văn Cư, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, công ty đã xác định, để phát triển bền vững thì không chỉ chạy theo lợi nhuận mà phải quan tâm đến các vấn đề môi trường xanh, chăm lo đời sống cho người lao động. Đó là trách nhiệm và là yếu tố mang tính quyết định sự phát triển trong tương lai. Cũng nhờ đạt được các chứng chỉ xanh, một số sản phẩm của công ty bán cao hơn 20-25 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại. “Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều đối tác tìm mua những sản phẩm xanh với mức giá hợp lý giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả”, ông Trương Văn Cư tin tưởng.
Đến hết quý III/2023, VRG có 30 công ty thành viên xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, tăng chín công ty so với cuối năm 2022. Tổng diện tích đã xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững là 275.000 ha (đạt 95% tổng diện tích quản lý). Hiện, VRG đã có 18 thành viên được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với diện tích hơn 113.000 ha cao-su, đạt 83% so với kế hoạch. Ngoài ra, VRG có 37 nhà máy (chế biến cao-su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao-su) được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng bảy nhà máy so với cuối năm 2022. |
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()