Ngành BHXH nỗ lực giảm nợ bảo hiểm
LSO-Theo thống kê của BHXH tỉnh, đến hết ngày 30/6/2016, toàn tỉnh có số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và lãi phát sinh bằng 2,54% so với dự toán thu được giao; giảm 0,27% so với chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ do BHXH Việt Nam giao. Kết quả trên là do nỗ lực giảm nợ bằng các giải pháp thiết thực của BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc.
![]() |
Công nhân Công ty Vật liệu và trang thiết bị Y tế Lạng Sơn gia công sản phẩm ống truyền |
Thực tế tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN ở Lạng Sơn cho thấy, khó khăn nhất trong công tác thu nợ tập trung vào khối doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông – lâm sản. Những doanh nghiệp này chủ yếu gặp khó khăn do không bố trí được việc làm, khó thu hồi vốn, bị thua lỗ, chờ phá sản, không có người quản lý… khiến việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Hoàng Mạnh, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ, BHXH tỉnh cho rằng: Để giảm thiểu nợ trong khối doanh nghiệp, BHXH tỉnh đã chủ động đến các doanh nghiệp nợ đọng hoặc mời doanh nghiệp đối thoại và tìm hướng khắc phục vi phạm. Trung bình mỗi huyện, thành phố đều tổ chức tiếp xúc, trao đổi 10 lượt/năm với doanh nghiệp vi phạm để hướng dẫn, giải thích, trao đổi thẳng thắn và đề nghị doanh nghiệp cam kết lộ trình trả nợ. Sau những lần đối thoại, cơ bản doanh nghiệp có ý thức trích nộp bảo hiểm. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có gần 100 doanh nghiệp thực hiện ký cam kết trích nộp trả nợ tiền bảo hiểm.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, năm nay việc nợ bảo hiểm có điểm mới là phân chia rõ ràng 4 loại nợ: nợ chậm đóng, nợ đọng, nợ kéo dài và nợ khó thu. Đây là điều kiện tốt để ngành thực hiện từng biện pháp phù hợp với từng loại nợ. Ví như nợ chậm đóng, nợ đọng thì chỉ cần tập trung tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn đơn vị, doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm; đôn đốc đơn vị nộp bảo hiểm đúng thời gian quy định. Do đó, 6 tháng đầu năm 2016, số nợ bảo hiểm thuộc nợ chậm đóng và nợ đọng giảm nhiều nhất trong tổng số nợ. Trong khi đó, nợ kéo dài và nợ khó thu sẽ phải có biện pháp cứng rắn, mạnh tay hơn. Theo đó, BHXH tỉnh phân công cho cán bộ có nhiều kinh nghiệm, vững nghiệp vụ phụ trách các đơn vị, doanh nghiệp thuộc nhóm này để kịp thời đôn đốc, giải quyết các vướng mắc phát sinh. Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan như: Sở Tài chính, UBND huyện, thành phố, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng để nhắc nhở đơn vị, doanh nghiệp, tách chứng từ đối với đơn vị chậm đóng, lập danh sách các đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm…
Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với thanh tra Sở LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thu hồi nợ, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN tại 15 đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời định kỳ hằng tháng, các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh thực hiện báo cáo tình hình nợ đọng, quản lý chặt số nợ và đánh giá, phân loại nợ, tham mưu cho BHXH tỉnh, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo công tác thu hồi nợ.
Bà Nông Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Mặc dù đạt kết quả khá so với chỉ tiêu thu nợ mà BHXH Việt Nam giao, song hiện Lạng Sơn vẫn còn trên 28,3 tỷ đồng nợ bảo hiểm (trong đó 18 tỷ đồng là nợ của 186 đơn vị trong khối doanh nghiệp). Vì vậy, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo hiểm, tư vấn chính sách BHXH, BHYT đối với người lao động trong doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính đi đôi với giải quyết chế độ bảo hiểm kịp thời, chính xác; tăng cường công tác phối hợp thanh, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành, xử lý vi phạm đối với các đơn vị nợ. Định kỳ hằng quý sẽ gửi danh sách nợ, báo cáo UBND tỉnh về tình hình nợ bảo hiểm, công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng…
THANH HÒA

Ý kiến ()