Ngành bảo hiểm tích cực hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho người dân sau thiên tai
Theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, đến nay, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm tạm thời lên tới con số 9.013 tỷ đồng.
Tích cực triển khai tạm ứng, bồi thường sớm
Tính đến ngày 20/9, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 13 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại là khoảng 9.000 tỷ đồng do cơn bão số 3 gây ra. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền là 9,9 tỷ đồng.
Đại diện Bảo hiểm PVI cho biết, công ty bắt đầu chi trả tạm ứng bồi thường cho những khách hàng bị tổn thất tài sản do Yagi gây ra. Tính đến ngày 23/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 3.000 tỷ đồng.
Hơn 2 tuần kể từ khi cơn bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, Bảo hiểm PVI bắt đầu tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng. Việc nhanh chóng thực hiện tạm ứng trong thời gian ngắn phản ánh năng lực và khả năng đáp ứng nhu cầu chi trả bồi thường của doanh nghiệp sau thiên tai; đồng thời giúp người dân, khách hàng phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính trong gia đoạn khó khăn.
"Tuy nhiên việc đánh giá tổn lần này là không dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ do sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão, đại diện Bảo hiểm PVI cho biết.
Công ty Cổ phần Hoàng Hồng Vân, một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động tại Đồ Sơn và Cát Bà với ngành nghề kinh doanh là cung cấp xe điện phục vụ tại các điểm du lịch. Cơn bão Yagi vừa qua đã gây tổn thất nặng nề đến doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Xuân Hùng, Tổng Giám đốc công ty: Cơn bão đã làm hỏng 13 chiếc xe điện phục vụ du lịch và nhiều tài sản khác của công ty. Những chiếc xe này không chỉ là phương tiện chính phục vụ du lịch mà còn được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại Agribank. Ngoài ra, văn phòng và nhà xưởng cũng bị thiệt hại nặng nề. Dự kiến phải mất ít nhất từ 25 - 30 ngày mới có thể trở lại hoạt động bình thường.
Ngay sau khi cơn bão qua đi, Bảo hiểm Agribank đã nhanh chóng cử nhân viên đến kiểm tra và giám định thiệt hại. Nhờ vậy, công ty đã nhận được 100 triệu đồng tạm ứng bồi thường để khắc phục các thiệt hại ban đầu, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tái thiết cơ sở vật chất. Công ty Cổ phần Hoàng Hồng Vân là một trong hàng trăm doanh nghiệp tham gia bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank đã được các nhân viên giám định bồi thường có mặt kịp thời để kiểm tra rà soát và lâp dư án bồi thường.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank, chỉ đạo của Công ty đối với toàn bộ hệ thống là phải chủ động tiếp cận hiện trường, chủ động liên hệ với từng khách hàng đã mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin về tổn thất trong điều kiện có thể. Thứ hai là phân cấp, phân quyền để cơ sở linh hoạt trong xác định thiệt hại và đưa ra phương án bồi thường. "Hiện quy trình bồi thường của chúng tôi gồm 3 bước: bước 1, tiếp cận hiện trường, giám định tổn thất; bước 2, lập phương án chi trả tạm ứng bồi thường và sau đó mới chuyển sang bước 3 là hoàn tất hồ sơ. "Như vậy, tiền chi trả được ứng ra trước khi hoàn tất hồ sơ để khách hàng kịp thời sửa chữa tài sản, thay mới tài sản, sau đó mới bổ sung chứng từ, hoàn thiện hồ sơ." Ông Đỗ Minh Hoàng chia sẻ.
Bám sát chỉ đạo chủ trương khắc phục thiệt hại sau bão
Bảo hiểm không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí sau thiên tai mà còn đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro, khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các thảm họa thiên nhiên trong tương lai. Với bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bảo hiểm ngày càng trở thành giải pháp bảo vệ hiệu quả và cần thiết.
Trước đó, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay: Bão Yagi và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành trong 9 tháng năm 2024 đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm, thực hiện ngay tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định.
"Thực hiện chỉ đạo trên các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường nhằm hỗ trợ khách hàng góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả sớm ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh", đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân lực, trực đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận những thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm.
Ý kiến ()