Ngăn thực phẩm “bẩn” lưu thông trên thị trường
– Thời điểm này, hoạt động cung ứng thực phẩm trên thị trường ngày một sôi động. Để ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm không rõ nguồn gốc… , lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở kinh doanh các loại thực phẩm.
Trong 2 ngày (6 và 7/12), Đội QLTT số 6 (Đội kiểm soát lưu động) liên tục phát hiện, ngăn chặn hơn 650 kg thực phẩm động vật không rõ nguồn gốc lưu thông trôi nổi trên thị trường. Khi kiểm tra, các chủ sở hữu số lượng thực phẩm động vật trên đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch, các sản phẩm đều đã bốc mùi, không đảm bảo an toàn sử dụng.
Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Đội 389 tỉnh kiểm kê thực phẩm nhập lậu bị tịch thu
Ngoài Đội QLTT số 6, chỉ trong tuần đầu của tháng 12/2022, Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Lạng Sơn) đã kiểm tra và xử lý 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Các cơ sở chủ yếu vi phạm về việc bán thực phẩm chế biến không rõ nguồn gốc. Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Thực hiện kế hoạch cao điểm về kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán của Cục QLTT tỉnh, đội đã lập kế hoạch, chủ động ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm một số mặt hàng thực phẩm như thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đã qua chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột…, đây là các mặt hàng thường được người dân sử dụng nhiều trong thời điểm cuối năm.
Trao đổi với lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, được biết, trong khoảng 10 ngày đầu tháng 12/2022, các đội QLTT trực thuộc đã phát hiện, xử lý 42 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm về hành vi chế biến, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Trước thực tế đó, nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn kiểm tra cao điểm nhóm mặt hàng thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến; chú trọng kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu. Qua đó đã kịp thời phát hiện nhiều cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên, thời điểm này, công tác ngăn chặn thực phẩm “bẩn” lưu thông trên thị trường cũng gặp không ít khó khăn. Bởi trên thực tế, lực lượng chức năng vẫn chủ yếu kiểm soát, ngăn đầu ra mà chưa kiểm soát được đầu vào (nguồn thực phẩm nhập vào) của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là các cơ sở kinh doanh, chế biến thức ăn sẵn.
Đội QLTT số 5 kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Bình Gia
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thời gian tới, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm và dịp giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, lực lượng QLTT đặc biệt chú trọng kiểm tra an toàn thực phẩm từ các đầu mối sản xuất, cung cấp thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… Cùng đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm đang bày bán, lưu thông tại thị trường nội tỉnh; kiểm tra hoạt động kinh doanh, cung ứng nguyên liệu các chất phụ gia chế biến thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng khác tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…
Bên cạnh đó, Cục QLTT Lạng Sơn chỉ đạo các đội QLTT chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa bàn phụ trách thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động phối hợp với các lực lượng, các phòng, ban chuyên môn của các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tuyên truyền, ký cam kết tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được phân công phụ trách nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Song song với đó, trong quá trình kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 15/12, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 983 vụ việc liên quan đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm như: buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng; kinh doanh thực phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa; người kinh doanh thực phẩm không đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm (dụng cụ bảo hộ, trang phục, không đeo khẩu trang); thiếu dụng cụ chứa đựng, chế biến thực phẩm… Đặc biệt, có những vụ vận chuyển thực phẩm sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc lên đến hơn 86 tấn. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()