Ngân sách Trung ương và địa phương ưu tiên chi cho phòng, chống dịch
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho các bộ, ngành, còn các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch.
Ảnh minh họa |
Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 7 ước đạt 111,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 7 tháng ước đạt 810,6 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách 7 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Ở chiều ngược lại, tổng thu NSNN thực hiện tháng 7 ước đạt 126,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 7 tháng đạt 912,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách Trung ương ước đạt 64,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 72,2% dự toán).
Quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19.
Về cân đối NSNN, tổng thể cân đối của NSNN trong 7 tháng đầu năm có thặng dư. Lũy kế đến ngày 26/7, đã phát hành 163.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 12,34 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.
Về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ công tác phòng chống dịnh COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản xin ý kiến các bộ, ngành có liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhẵm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị: Hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực, dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020, không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Tổng số tiền miễn giảm theo các phương án nêu trên khoảng 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 1/8/2021 bổ sung dự toán chi NSNN năm 2021của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất thuốc phục vụ phòng, chống dịch.
Ý kiến ()