Ngăn nông sản kém chất lượng: Cần nỗ lực từ biên giới
LSO-Lạng Sơn có trên 231 km đường biên giới với nhiều cửa khẩu, đường mòn, đường tắt qua lại Trung Quốc. Lợi dụng tâm lý tiêu dùng của một bộ phận cư dân biên giới là ham hàng rẻ, nhiều đối tượng đã tuồn nông sản kém chất lượng vào Việt Nam.
LSO-Lạng Sơn có trên 231 km đường biên giới với nhiều cửa khẩu, đường mòn, đường tắt qua lại Trung Quốc. Lợi dụng tâm lý tiêu dùng của một bộ phận cư dân biên giới là ham hàng rẻ, nhiều đối tượng đã tuồn nông sản kém chất lượng vào Việt Nam. Để đấu tranh ngăn chặn hành vi đó, cần có sự nỗ lực của các lực lượng chức năng ngay từ biên giới.
Cán bộ QLTT kiểm tra, xử lý nông sản kém chất lượng nhập lậu |
Ngày 18/9/2013, Đội Quản lý thị trường số 2 đóng tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc đã bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 12C-00417 chở 4,1 tấn hành tây nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Chủ hàng là ông Trình Nam Quân, hộ khẩu đăng ký thường trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Ông Quân khai nhận do quá trình buôn bán bên Trung Quốc thấy lô hành tây giá rất rẻ nên đã mua, bản thân ông không hề biết lô hàng đó là hàng kém chất lượng đã bị phía nước bạn thải loại. Không riêng gì trường hợp ông Quân, trước đó Hải quan Tân Thanh và Đội Quản lý thị trường số 2 đã bắt giữ lô khoai tây, bắp cải kém chất lượng và buộc mang tiêu huỷ. Một hình ảnh nữa mà chúng tôi ghi nhận được tại khu vực cánh gà cửa khẩu Tân Thanh – nơi tập trung hàng chục hộ cư dân biên giới sinh sống. Công việc của họ là hàng ngày sang biên giới để bốc hàng thuê. Sau khi bốc hàng xong, khi trở về họ nhặt nhạnh theo đủ thứ hàng thải loại, bắp cải, cà rốt, khoai tây kém chất lượng để sử dụng. Hơn thế có những xe hàng kém chất lượng bị nước bạn cấm sử dụng thì họ đã mua lại của chủ hàng với giá cực rẻ để mang về Việt Nam bán lại. Và ngay tại cửa khẩu Tân Thanh cũng có những người tiếp tay, mua nông sản kém chất lượng để đưa sâu vào nội địa tiêu thụ mà trường hợp của ông Quân là một ví dụ. Ông Chu Mạnh Hà, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: trong quá trình xử lý vi phạm, đội đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến nông sản kém chất lượng. Những nông sản này phần lớn được chở từ các tỉnh nội địa nước bạn, khi ra đến biên giới không còn đạt tiêu chuẩn nên không xuất bán chính ngạch được. Để thu hồi vốn đầu tư, các chủ hàng bán với bất kể giá nào. Với cư dân biên giới, đa phần họ là những lao động nghèo nên khi mua nông sản với giá rẻ họ không quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, càng không màng đến nông sản kém chất lượng chưa qua kiểm dịch sẽ kéo theo mầm dịch bệnh. Vì vậy, để ngăn nguồn nông sản không đủ tiêu chuẩn chất lượng vào nội địa cần ngăn chặn ngay từ biên giới. Theo ông Chu Mạnh Hà, khi đã vào nội địa rất khó phân biệt đâu là nông sản của ta, đâu là nông sản kém chất lượng của nước bạn. Thậm chí nhiều chủ hàng mua nông sản bẩn nhưng đóng bao bì Việt Nam, trộn lẫn một ít nông sản được sản xuất tại địa bàn để vận chuyển trên khâu lưu thông. Như vậy để đấu tranh ngăn chặn là cực kỳ khó khăn. Để ngăn chặn được một xe nông sản nhập lậu, lực lượng kiểm soát trên khâu lưu thông phải mất rất nhiều công sức và tốn kém. Chính vì lẽ đó mà biện pháp hiệu quả nhất là ngăn chặn ngay từ biên giới.
Theo ông Sầm Văn Dần, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng thì việc quan trọng cần thực hiện trước tiên là phải tuyên truyền cho cư dân biên giới không mua bán nông sản kém chất lượng. Thứ nữa cần xử phạt nghiêm các hành vi tuồn nông sản kém chất lượng từ nước bạn vào nội địa, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ nông sản kém chất lượng. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt các đường mòn, đường tắt qua lại biên giới. Cùng với đó, thông tin đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ dịch bệnh từ những lô hàng nông sản tiêu dùng kém chất lượng được tuồn vào nội địa. Mặt khác, cần hình thành 3 tuyến ngăn nông sản kém chất lượng ngay tại cửa khẩu, trên khâu lưu thông tại các chợ biên giới và khu vực nội địa. Khi xử lý các lô hàng nông sản kém chất lượng cần thông tin rộng rãi nhằm giáo dục chung.
Như đã nói ở trên, ngăn chặn nông sản khi đã lọt vào nội địa là hết sức khó khăn, vì vậy cần đẩy mạnh phòng chống ở tuyến biên giới. Điều đáng nói là, để ngăn chặn triệt để không chỉ ở các lực lượng chức năng mà ngăn chặn ngay trong chính nhận thức của cư dân biên giới.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()