Ngăn ngừa những cái "bắt tay" không minh bạch
Thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã chỉ ra sự tồn tại những mối quan hệ không bình thường, những cái "bắt tay" không minh bạch giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp, nhằm trục lợi.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, liên quan một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, 8 tháng năm 2024, đã kỷ luật 44 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Riêng vụ án xảy ra tại Công ty AIC, đã xử lý kỷ luật 89 tổ chức đảng và 126 đảng viên, trong đó có 25 cán bộ diện Trung ương quản lý; vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị Ðại Ninh (Lâm Ðồng), đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng, 14 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, đã có 23 bị can bị khởi tố, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý; vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý...
Trên tinh thần kiên quyết đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người vi phạm là ai, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã định rõ tội danh đúng với bản chất của tội phạm; góp phần nhận diện mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ, đảng viên có chức, quyền với các doanh nghiệp trên lĩnh vực khác nhau, nhất là đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công...
Mối quan hệ đó được nhận diện khi doanh nghiệp nhận hỗ trợ, ưu đãi trong đầu tư một cách bất thường; trong việc cán bộ có chức, quyền sử dụng quyền lực gây ảnh hưởng và chung chia với doanh nghiệp; trong cách hành vi đưa và nhận hối lộ, nhận quà có giá trị lớn, lặp lại với rất nhiều dịp, lý do khác nhau hay hưởng hoa hồng từ doanh nghiệp vượt quá quy định.
Nhiều cái "bắt tay" giữa cán bộ có chức, quyền và doanh nghiệp nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp; trong hoạt động đấu thầu mua bán hàng hóa, đầu tư công, gây thất thoát rất lớn tài sản nhà nước.
Hệ quả của những mối quan hệ không bình thường này là rất khó lường, đặc biệt nghiêm trọng, có thể chi phối sự phát triển kinh tế, xã hội; thất thoát tài sản nhà nước; tha hóa đội ngũ cán bộ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước và xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ðể từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực, hơn 10 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 330 văn bản; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.100 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai các chủ trương, chính sách của Ðảng về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Các giải pháp tập trung kiểm soát quyền lực; cải cách hành chính, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; kiểm soát, kê khai tài sản… nhằm tạo một cơ chế đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm minh.
Tuy nhiên, cái gốc của tham nhũng, tiêu cực nằm trong mỗi con người. Nếu cán bộ, đảng viên, nhất là những người được giao quyền không tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân, thì không có bất cứ lý do nào có thể ngụy biện hay đổ lỗi cho cơ chế. Bởi không có cơ chế, chế tài nào kiểm soát hết mỗi con người, cũng không thể cưỡng chế lòng tham khi họ cố tình vi phạm. Giáo dục liêm chính được cho là giải pháp có tính căn nguyên. Chỉ khi mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng, đủ, hành động quyết liệt với chính mình, tự nêu gương về giáo dục liêm chính, về thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng, làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Ðảng, trước dân thì khi đó, tham nhũng, tiêu cực mới thật sự được đẩy lùi triệt để.
Ý kiến ()