Ngân hàng với cuộc đua thị phần
LSO-Từ khi hệ thống ngân hàng hoạt động theo cơ chế thị trường, các ngân hàng nhà nước lần lượt cổ phần hóa, nhiều ngân hàng mới được thành lập, thu hút tiền gửi luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng. Thời điểm này, bước vào giai đoạn nước rút của cuộc đua giành thị phần thì những con số về tổng nguồn vốn huy động, tổng dư nợ thể hiện sự thành công, mạnh yếu của mỗi ngân hàng.
LSO-Từ khi hệ thống ngân hàng hoạt động theo cơ chế thị trường, các ngân hàng nhà nước lần lượt cổ phần hóa, nhiều ngân hàng mới được thành lập, thu hút tiền gửi luôn là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng. Thời điểm này, bước vào giai đoạn nước rút của cuộc đua giành thị phần thì những con số về tổng nguồn vốn huy động, tổng dư nợ thể hiện sự thành công, mạnh yếu của mỗi ngân hàng.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công thương Chi nhánh Lạng Sơn |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 ngân hàng đang hoạt động, trong đó có 8 ngân hàng hoạt động về thương mại, dịch vụ, mang tính chất kinh doanh tiền tệ và ba ngân hàng có mục đích và tính chất hoạt động riêng biệt là Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tính đến trung tuần tháng 11 năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế trong năm vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh thì hoạt động huy động vốn cũng như cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn cơ bản hiệu quả và tăng so với cùng kỳ năm 2012. Tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước của các ngân hàng trên địa bàn được khoảng 9.874 tỷ đồng, tăng 1.686 tỷ đồng (tăng khoảng 20,6%) so với cùng kỳ năm 2012. Tổng dư nợ cho vay khoảng 10.339 tỷ đồng, tăng 976 tỷ (tăng 10,4%) so với cùng kỳ 2012 và tăng 536 tỷ đồng (tăng 5,5%) so với 31/12/2012. Tính đến thời điểm hiện tại, thị phần huy động vốn cơ bản vẫn có sự phân chia như những năm trước, thể hiện đúng vị trí thực tế của các ngân hàng. Những Ngân hàng thương mại Cổ phần Nhà nước ra đời sớm, có thời gian hoạt động lâu dài tiếp tục chiếm thị phần vượt trội so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thành lập mới đây. Như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ đầu năm 2013 đến nay huy động được 3.820 tỷ đồng, chiếm 38,69% tổng nguồn vốn huy động, tăng 711 tỷ đồng (22,9%) so với cùng kỳ; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển huy động được 2.115 tỷ đồng, chiếm 21,42%, tăng 184 tỷ (9,5%); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương huy động được 1.613 tỷ đồng, chiếm 16,34%, tăng 270 tỷ đồng (20,1%). Trong khi đó, những ngân hàng thương mại được thành lập từ các tổ chức kinh tế tư nhân như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt Post Bank huy động được 310 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,14% tổng nguồn vốn huy động; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương huy động được 410 tỷ đồng, chiếm 4,76% … Thực tế, tuy các ngân hàng hiện nay đều hoạt động công bằng theo quy luật của thị trường, nhưng trong cuộc đua tranh giành thị phần lại có kết quả chênh lệch như trên là do mỗi ngân hàng có một lợi thế, vị trí khác nhau và đều vận dụng linh hoạt tất cả các biện pháp nhằm tối đa hóa nguồn vốn huy động về mình.
Ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: để thu hút nguồn vốn, việc sử dụng lãi suất là chiêu bài quan trọng được các ngân hàng thường dùng, nhưng nhằm đảm bảo các ngân hàng hoạt động công bằng và vẫn hiệu quả, ngân hàng nhà nước căn cứ theo tình hình kinh tế của từng thời điểm mà đưa ra các mức trần lãi suất huy động phù hợp. Tránh tình trạng các ngân hàng tự nâng lãi suất huy động lên cao để thu hút khách hàng làm ảnh hưởng đến hệ thống, loạn thị trường gây hoang mang cho khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh hình thức tăng, giảm lãi suất các ngân hàng còn sử dụng nhiều biện pháp để lôi kéo khách hàng về phía mình như tặng quà, bốc thăm trúng thưởng, khuyến mại những ngày lễ tết… Và mọi hoạt động đó đều được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ, yêu cầu các ngân hàng báo cáo kết quả thường xuyên theo quy định. nNgoài những yếu tố trên, còn một nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến sự chênh lệch về thị phần như hiện tại. Đó là các ngân hàng nhà nước có lợi thế là đã xây dựng được uy tín lâu dài, mạng lưới sâu, rộng, quen thuộc với người dân và hơn nữa là dân ta vốn ngại thay đổi, vẫn tin tưởng hơn khi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng có liên quan đến Nhà nước. Nên ngay khi các ngân hàng thương mại tư nhân có rất nhiều chương trình hấp dẫn để lôi kéo khách hàng, người dân vẫn lựa chọn gửi tiền vào các ngân hàng cổ phần nhà nước. Ông Vi Văn Việt, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên chiếm thị phần lớn nhất, bởi từ nhiều năm nay ngân hàng đã có mạng lưới phòng giao dịch rộng đến từng huyện, xã trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu của người dân. Hơn nữa, ngân hàng có một lượng khách hàng chiến lược rất lớn là người dân nông thôn, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá thì với thực tế phát triển như hiện nay, trong thời gian tới sẽ còn có nhiều cuộc thâu tóm giữa các ngân hàng thương mại theo kiểu “Cá lớn nuốt cá bé”. Các ngân hàng Cổ phần Nhà nước sẽ tiếp tục chiếm thị phần lớn trên thị trường trong nước.
ANH DŨNG
Ý kiến ()