Ngân hàng trung ương nhiều nước tăng lãi suất ứng phó lạm phát
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản, một loạt ngân hàng trung ương các nước đã công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Chiều 22/9, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%.
Với quyết định này, lãi suất cơ bản của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019. Trong khi đó, đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Indonesia tăng lãi suất cơ bản đề kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ, điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%. SNB khẳng định việc tăng lãi suất là cần thiết để đối phó với sức ép lạm phát gia tăng.
Trong thông báo quyết định tăng lãi suất, SNB nêu rõ không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới để bình ổn giá trung hạn.
Ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25% để kiểm soát lạm phát.
Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE đã lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cùng ngày, cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, lên 3,5%, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.
Theo đài NHK, ngày 22/9, đồng yên có lúc đã giảm xuống mức 145 yên đổi 1 USD (giảm khoảng 20% giá trị so với USD kể từ đầu năm nay) và là mức thấp nhất trong 24 năm qua.
Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết mục đích của việc can thiệp lần này là ngăn không để đồng yên giảm giá hơn nữa so với đồng USD.
Tại Trung Quốc, trong khi một loạt ngân hàng các nước tăng lãi suất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn chưa có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang tìm cách cân bằng giữa mục tiêu duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế và nỗ lực ngăn đồng nội tệ mất giá./.
Ý kiến ()