Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển sau một năm cổ phần hóa
LSO-Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển tỉnh giờ đây đã có nhiều đổi mới từ trang phục, phong cách giao dịch của nhân viên đến cơ sở vật chất làm việc…
LSO-Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển tỉnh giờ đây đã có nhiều đổi mới từ trang phục, phong cách giao dịch của nhân viên đến cơ sở vật chất làm việc… Những đổi mới từ sau cổ phần hóa một năm qua đã tạo nên thương hiệu BIDV ngày càng năng động, hiện đại, đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển |
Ông Bế Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển cho biết: Ngân hàng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 5/2012. Với sự chuyển đổi sang một mô hình hoạt động mới, cơ cấu hoạt động, cơ cấu tài chính thay đổi, đòi hỏi năng lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên cao hơn. Chính vì vậy, việc đầu tiên cơ quan thực hiện sau cổ phần hóa là củng cố lại các phòng làm việc, tiến hành sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với trình độ, năng lực của mỗi cán bộ nhằm phát huy cao nhất hiệu quả, hiệu suất công việc. Cùng với giao nhiệm vụ, chỉ tiêu, cơ quan xếp lương theo vị trí công việc, xếp loại thi đua theo kết quả đóng góp cho cơ quan và mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng, quý. Công tác này đã khuyến khích cán bộ, nhân viên không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm, nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Để giúp cán bộ, nhân viên phấn đấu, Ngân hàng còn quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, cơ bản cán bộ, nhân viên có bằng cấp đại học trở lên, đáp ứng nhu cầu công việc. Công tác thi đua – khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đúng người, đúng việc và kịp thời, tạo nên một môi trường công bằng, lành mạnh, thu hút các cá nhân, tập thể phòng thi đua, công hiến. Bên cạnh đó, Ngân hàng thường xuyên quan tâm đầu tư mới các trang thiết bị, máy móc hiện đại cho các phòng; thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc với khách hàng; trang phục đẹp… Đặc biệt, trong thời gian qua, đơn vị quán triệt mạnh mẽ về văn hóa ứng xử trong kinh doanh theo bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, ứng xử của ngành, luôn lấy thái độ phục vụ lên hàng đầu trong giao dịch với khách hàng…
Ngoài ra, từ sau cổ phần hóa đến nay, đơn vị có một loạt các sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích, hiện đại ra đời như: dịch vụ ngân hàng trực tuyến, dịch vụ chuyển tiền trên điện thoại di động… Các dịch vụ thẻ tín dụng, thanh toán, dịch vụ cho vay, gửi tiết kiệm… cũng ngày càng đa dạng, tiện lợi đối với từng đối tượng khách hàng. Với hàng loạt những giải pháp sau cổ phần hóa như vậy, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của bối cảnh lạm phát, giá cả thị trường biến động… Kết quả kinh doanh của đơn vị luôn tăng trưởng an toàn và ổn định. Công tác huy động vốn bình quân tăng 19%, dư nợ tín dụng tăng 20%, thực hiện kế hoạch lợi nhuận đạt 103% và nợ xấu thấp, chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ. Năm 2012, đơn vị được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh.
Trong tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp, sức hấp thu nguồn vốn vẫn thấp, biến động lãi suất…, ngành ngân hàng có không ít thách thức, khó khăn. Ông Bế Văn Ánh chia sẻ: Ngân hàng tiếp tục phấn đấu thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh được giao, trong đó thực hiện tốt công tác huy động vốn để có vốn đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thẻ, thanh toán, chuyển khoản… đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, chấp hành các mức lãi suất theo quy định hiện hành, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, giảm lãi suất và tạo điều kiện cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Qua đó, ngày càng khẳng định thương hiệu BIDV bằng hiệu quả kinh doanh và những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()