Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn: Nâng cao văn hoá giao dịch
LSO- Những năm gần đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ổn định và tăng trưởng kinh doanh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Để có kết quả đó, Chi nhánh đã không ngừng nỗ lực trong hoạt động, đặc biệt là nâng cao văn hoá giao dịch, phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.
Bà Hoàng Thị Kim Phượng, Trưởng Phòng Tổng hợp, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh cho biết: Ngân hàng thương mại kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, đặc điểm hoạt động là có quan hệ với khách hàng thường xuyên nên văn hoá giao dịch là rất quan trọng. Xác định như vậy, trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn đã luôn quán triệt, chỉ đạo thực hiện tốt các quy chuẩn, quy tắc trong văn hoá, ứng xử kinh doanh của hệ thống.
Từ năm 2007 đến nay, Chi nhánh thực hiện nâng cao văn hoá, ứng xử trong kinh doanh theo Bộ Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp và những quy định về phong cách giao dịch, không gian làm việc của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Để đưa các quy tắc, quy chuẩn này vào nề nếp, Chi nhánh triển khai thông qua các hội nghị, sau đó thường xuyên có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở đến các phòng chuyên môn tại Chi nhánh và các phòng giao dịch trực thuộc trên địa bàn. Hằng năm, 100% cán bộ, nhân viên được quán triệt, học tập mới, đặc biệt là tham gia các cuộc thi trực tuyến hàng tuần, tháng, năm qua mạng của Hội sở chính về nội dung các nguyên tắc, quy chuẩn văn hoá giao dịch, nghiệp vụ, tìm hiểu các sản phẩm mới…
Cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh trong giờ làm việc
Thông qua đó, mỗi cán bộ, nhân viên đã không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ứng xử, coi các quy tắc, quy chuẩn là chỉ dẫn trong xử lý các tình huống khi làm việc, trong ứng xử mối quan hệ nội bộ cũng như với bên ngoài. Cụ thể, từ học tập các quy chuẩn, quy tắc, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày càng sáng tạo, đổi mới và cầu tiến trong công việc; năng động, nhanh nhẹn trong xử lý các tình huống; ứng xử có văn hóa khi giải quyết mâu thuẫn, bất đồng; có thái độ, ứng xử đúng chuẩn mực với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp, với khách hàng… Với các hoạt động cộng đồng xã hội thì nhiệt tình tham gia, chia sẻ, tương trợ khó khăn…
Đặc biệt, thực hiện những quy định về phong cách giao dịch và không gian giao dịch, từ năm 2012 đến nay, mỗi cán bộ, nhân viên đã xây dựng cho mình khuôn khổ, chuẩn mực về không gian làm việc và không gian giao dịch: bố trí, sắp xếp bàn làm việc, tài liệu hợp lý và khoa học; tuân thủ thời gian làm việc; trang phục gọn gàng, sạch đẹp; đeo biển hiệu trong giờ làm việc; nêu cao tinh thần trách nhiệm… Qua đó, Chi nhánh đã tạo được môi trường làm việc thân thiện, phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động và hiện đại, chất lượng, hiệu quả công việc nâng lên.
Chị Trần Thị Kiều Anh, Phó Trưởng Phòng khách hàng cá nhân chia sẻ: “Qua học tập các quy chuẩn đạo đức, nguyên tắc giao dịch, 100% cán bộ, nhân viên của Phòng có đổi mới, sáng tạo, nâng cao văn hoá ứng xử từ trang phục, lời nói đến cách giải quyết công việc. Tiêu biểu là đã rèn luyện được tác phong nhẹ nhàng, thái độ giao tiếp lịch thiệp, thân thiện. Với khách hàng, luôn “Lắng nghe rồi hãy nói”, “ưu tiên khách hàng”, tư vấn, hướng dẫn tận tình, chu đáo với khách hàng…”
Với những nỗ lực về nâng cao văn hoá giao dịch, hoạt động giao dịch tại Chi nhánh luôn đảm bảo đúng các quy chuẩn, nguyên tắc về đạo đức, văn hoá… Qua đánh giá của Tổ khách hàng bí mật của Trung ương đến kiểm tra năm 2014, Chi nhánh không có vi phạm. Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh luôn đạt cao so với kế hoạch giao. Hiện nay, tổng dư nợ của Chi nhánh tăng 13,7%, huy động vốn tăng 19% so với 31/12/2014, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()