Ngăn hàng tiêu dùng nhập lậu thẩm lậu vào thị trường
(LSO) – Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (389) tỉnh, trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình nhập lậu các mặt hàng tiêu dùng được sản xuất ngoài Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Việc ngăn chặn càng trở nên khó khăn hơn khi các đối tượng buôn lậu mặt hàng này thường lợi dụng “kẽ hở” về chính sách thuế để hợp thức hóa hàng lậu.
Diễn biến phức tạp
Ngày 11/3/2019, tại thôn Nà Trang, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 (phụ trách huyện Văn Lãng và Tràng Định) phối hợp dừng ô tô mang biển kiểm soát 29B-051.95 để kiểm tra, tuy nhiên, lái xe không chấp hành hiệu lệnh mà tăng ga, lạng lách, chèn xe của lực lượng chức năng để bỏ chạy. Vừa đuổi bắt, đội vừa phối hợp với Đội QLTT số 2 (phụ trách huyện Cao Lộc) và Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt thực hiện chặn bắt lái xe mới chịu dừng. Qua kiểm tra, trên xe vận chuyển gần 8.000 sản phẩm hàng tiêu dùng các loại (kem dưỡng da, kem trị tàn nhang, son môi, sữa rửa mặt, phấn trang điểm, kính đeo mắt…). Tất cả các sản phẩm đều do nước ngoài sản xuất. Tổng trị giá hàng hóa trên 100 triệu đồng.
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng hóa bị thu giữ
Tiếp đó là vụ việc ngày 13/3/2019, lực lượng chức năng khu vực huyện Văn Lãng (bộ đội biên phòng Đồn Tân Thanh, Công an huyện Văn Lãng, Đội QLTT số 9) đã ngăn chặn, thu giữ 55 bao hàng có trọng lượng khoảng 2,5 tấn, chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo may sẵn, giày, dép… tại khu vực đường mòn 474 thuộc địa phận xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Và cũng như vụ nêu trên, khi bị lực lượng chức năng ngăn chặn, bắt giữ hàng, các đối tượng cũng tìm mọi cách để chạy trốn và tẩu tán hàng lậu.
Ngoài 2 vụ việc điển hình ở trên, từ đầu năm đến hết tháng 4, các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 300 vụ vận chuyển hàng hóa tiêu dùng được sản xuất ngoài Việt Nam đang được các đối tượng buôn lậu tìm cách vận chuyển, thẩm lậu vào thị trường để tiêu thụ. Trong đó, nhiều vụ vận chuyển với số lượng lớn. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 4 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, thu giữ hơn 300 nghìn sản phẩm hàng hóa tiêu dùng có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng hải quan tại các cửa khẩu và lực lượng hải quan kiểm soát chống buôn lậu trực thuộc Cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 151 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, tăng 40,24% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, phát hiện 107 vụ vi phạm hành chính về hải quan, 44 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, trong đó, phần lớn là hàng tiêu dùng. Theo đánh giá của Cục Hải quan, những tháng đầu năm 2019, tình hình buôn lậu qua địa bàn diễn biến phức tạp hơn nhiều so với cùng kỳ. Ngoài một số mặt hàng cấm như: tiền giả, pháo nổ, thời gian vừa qua, các đối tượng buôn lậu chủ yếu tập trung gom các loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vận chuyển qua biên giới, tuồn hàng vào nội địa để tiêu thụ. |
Ông Trần Mạnh Hùng, quyền Cục phó Cục QLTT tỉnh cho biết: Những loại hàng hóa tiêu dùng này chủ yếu là hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ tiêu dùng trong gia đình. Đây là những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, do đó, cầu về tiêu thụ nhóm mặt hàng này trong nước rất cao. Do vậy, nếu vận chuyển trót lọt, lợi nhuận từ việc buôn lậu hàng hóa tiêu dùng cũng rất lớn. Những nguyên nhân đó khiến tình hình nhập lậu các mặt hàng này vẫn diễn biến phức tạp.
Lực lượng QLTT Đội số 2 kiểm tra hàng hóa nhập lậu bị thu giữ
Theo đại tá Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa tiêu dùng nhập lậu hiện nay rất manh động. Ngoài những thủ đoạn trốn tránh lực lượng chức năng thì ngay cả khi bị bắt giữ, những đối tượng đầu nậu sẵn sàng huy động lực lượng để ngăn lực lượng chức năng và cũng sẵn sàng cướp lại hàng bị bắt.
Quyết liệt ngăn chặn
Mặc dù số lượng hàng tiêu dùng nhập lậu mà các lực lượng chức năng thu giữ trong 4 tháng đầu năm tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hàng tiêu dùng sản xuất ngoài Việt Nam thẩm lậu vào thị trường nội địa vẫn còn.
Đánh giá về vấn đề này, tại hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (ngày 18/4/2019), đại diện các lực lượng chức năng như: QLTT, bộ đội biên phòng, hải quan và công an chỉ ra “nút thắt” của vấn đề này, đó là: nhiều vụ việc mặc dù lực lượng chức năng phát hiện những xe ô tô vận chuyển hàng tiêu dùng có nguồn gốc sản xuất ở nước ngoài, tuy nhiên, các chủ hàng đều xuất trình được hóa đơn bán hàng do các hộ kinh doanh tại khu vực cửa khẩu hợp thức hóa. Chính việc hợp thức hóa hàng tiêu dùng nhập lậu này khiến lực lượng chức năng không thể thu giữ hàng hóa.
Trước thực trạng này, các lực lượng chức năng đã đề xuất với lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thời gian tới cần chỉ đạo Cục thuế cương quyết xem xét dừng cấp, thu hồi hóa đơn bán hàng đối với cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh tại khu vực chợ biên giới, khu vực cửa khẩu sử dụng hóa đơn bán hàng để kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Lực lượng QLTT trên địa bàn huyện Hữu Lũng thu giữ lô hàng tiêu dùng sản xuất từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam
Song song với đó, các lực lượng khác như: Công an tỉnh, QLTT sẽ tổ chức phối hợp kiểm soát trên khâu lưu thông, đặc biệt là tổ chức kiểm soát thị trường nội địa, tập trung chủ yếu vào việc buôn bán, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, qua đó nhằm kịp thời phát hiện những mặt hàng giả, hàng nhái.
Để ngăn chặn hàng tiêu dùng nhập lậu thẩm lậu vào nội địa, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh triển khai và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp. Theo đó, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan tiếp tục tăng cường kiểm soát khu vực đường biên, khu vực cửa khẩu, các kho bãi trong khu vực cửa khẩu. Cùng đó, tại tuyến phía sau (tuyến nội địa), lực lượng công an, QLTT ngoài việc tăng cường kiểm tra khâu lưu thông thì cần áp dụng biện pháp mạnh như: tịch thu hàng hóa vi phạm, rút giấy phép kinh doanh, đình chỉ kinh doanh, chuyển sang cơ quan chức năng điều tra và xem xét trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tổ chức, cá nhân kinh doanh không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu và không kinh doanh hàng tiêu dùng nhập lậu.
Theo đánh giá của cơ quan QLTT tỉnh, thời gian qua, tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng tiêu dùng có nguồn gốc sản xuất tại nước ngoài trên thị trường khá phổ biến. Nhiều mặt hàng tiêu dùng được gắn nhãn mác của những cơ sở sản xuất uy tín trong nước và cả những nhãn mác nổi tiếng của nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều vụ mà cơ quan QLTT kiểm tra, phát hiện thì nhiều mặt hàng như: nước hoa, dầu gội đầu, quần áo, giày dép, nồi điện… thực chất được sản xuất tại Trung Quốc, sau khi được vận chuyển trót lọt vào thị trường đã được các cơ sở kinh doanh gắn nhãn mác để lừa người tiêu dùng trong nước. |
Ý kiến ()