Ngân hàng Thế giới hỗ trợ khẩn cấp 200 triệu USD để đối phó với dịch Ebola
Ngày 4/8, Ngân hàng Thế giới (WB) đã bày tỏ lo ngại và khẳng định sẽ huy động khẩn cấp 200 triệu USD để hỗ trợ cho Guinea, Liberia và Sierra Leone chống chọi với dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 887 người.
Các bác sĩ tại bệnh viện ELWAở Monrovia, Liberia ngày 24/7/2014. (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim – người đồng thời cũng là một bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm đã bày tỏ quan ngại khi nói rằng “nhiều sinh mạng đang bị đe dọa nếu chúng ta thất bại trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Ebola”. Ông Jim Yong Kim nhấn mạnh: “Tôi liên tục giám sát hiệu ứng chết người của căn bệnh này và tôi rất buồn khi thấy rằng nó ảnh hưởng đến các nhân viên y tế, các gia đình và các cộng đồng”.
Trong một hội nghị trực tuyến, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết ông đã nhanh chóng đề xuất chương trình khẩn cấp này vào cuộc bỏ phiếu của Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thế giới mà ông đã “ủng hộ mạnh mẽ”.
Ông Makhtar Diop, Phó Chủ tịch WB tại châu Phi cho biết quyết định chính thức về việc giải ngân khoản hỗ trợ sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Thông báo khoản viện trợ khẩn cấp này đã được đưa ra khi các nhà lãnh đạo châu Phi, trong đó có 35 Tổng thống đang thảo luận tại Washington (Mỹ) về cuộc khủng hoảng dịch bệnh Ebola.
Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới cho biết các khoản kinh phí sẽ được đầu tư cho những hành động ngắn hạn hỗ trợ y tế cũng như các hành động trong dài hạn hỗ trợ kinh tế, tài chính và xã hội.
Các nguồn tài chính ngắn hạn sẽ đầu tư cho việc mua thiết bị y tế, chi trả cho các nhân viên chăm sóc cũng như thành lập một hệ thống giám sát y tế và phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng.
Nguồn vốn này cũng sẽ được sử dụng để giúp các cộng đồng kinh tế bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh.
Các quốc gia bị ảnh hưởng “là tất cả các quốc gia bất ổn […] hiện đang cần một giải pháp nhanh chóng”, ông Makhtar Diop nói thêm. Trong khi đó, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh rằng: “Họ đã nói với chúng tôi: “Chúng tôi cần tất cả mọi thứ””.
Bên cạnh đó, các chiến dịch viện trợ sẽ được “hợp tác chặt chẽ” với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngân khoản này sẽ không chỉ cung cấp cho các chính phủ mà còn chuyển qua WHO.
Đánh giá ban đầu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Guinea có thể mất 1% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 4,5% xuống 3,5% do tác động của dịch Ebola. Ngoài ra, ông Makhtar Diop cho biết còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế của các bệnh ở các nước khác, đặc biệt là về tác động về du lịch, thương mại và nhập khẩu.
Trong 3 quốc gia bị ảnh hưởng, chúng ta thấy rằng nông nghiệp bị tác động, các lao động nông nghiệp chạy trốn khỏi các khu vực bị ảnh hưởng, trong khi thương mại qua biên giới đã chậm lại, các hầm mỏ đã bị đóng cửa và các chuyến bay bị hủy bỏ./.
Theo CPV
Ý kiến ()