Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Tiếp tục duy trì cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, với quyết tâm chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, trong hơn một năm qua, hệ thống ngân hàng nói chung và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Không để ai đơn độc
Trong năm qua, với tinh thần vừa ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 vừa bảo đảm thực hiện “nhiệm vụ kép”, Agribank đã tiên phong bảy lần giảm lãi suất cho vay; trong đó, bốn lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; chín lần giảm phí dịch vụ; đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% – 2,5% so trước khi có dịch Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng.
Từ tháng 4-2020, Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với tất cả khách hàng của Agribank bao gồm pháp nhân và cá nhân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Agribank đã kịp thời triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Căn cứ lãi suất cho vay theo quy định hiện hành, Agribank chi nhánh nơi cho vay áp dụng lãi suất đối với các đối tượng đủ điều kiện theo quy định, trong đó các đối tượng ưu tiên, khoản vay có tài sản bảo đảm, khách hàng không thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm nhiều hơn. Mức lãi suất cho vay ưu đãi cho các đối tượng còn lại (bao gồm cả các đối tượng ưu tiên không được đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh khi vay ngắn hạn) giảm tối đa 2%/năm (riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm tối đa 2,5%/năm); lãi suất cho vay tối đa 9%/năm. Đồng thời, mức Trụ sở chính hỗ trợ cho chi nhánh tối đa 2%/năm (riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ tối đa 2,5%/năm), tương ứng với mức lãi suất thấp hơn 8%/năm.
Ngoài ra, đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank thiết kế chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lên tới 35 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng khá đa dạng cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VNĐ, giúp cho doanh nghiệp có nhiều lựa chọn. Mức lãi suất rất ưu đãi chỉ tối thiểu 3,7%/năm áp dụng tùy theo từng kỳ hạn đối với cho vay ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Agribank cũng dành gói tín dụng ưu đãi với quy mô tương đối lớn 30 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay cũng giống như doanh nghiệp lớn cả ngắn hạn, trung và dài hạn bằng VNĐ. Lãi suất của gói tín dụng này chỉ là 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Không chỉ có doanh nghiệp nội địa, Agribank còn đưa ra gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI với quy mô 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD. Thời hạn cho vay ngắn hạn và loại tiền được vay gồm có cả VNĐ và USD. Mức lãi suất cho vay tối đa 4,8%/năm đối với cho vay xuất khẩu và tối đa 6,5% (đối với cho vay nhập khẩu và/hoặc sản xuất, kinh doanh trong nước). Còn vay bằng USD, thời gian cho vay tối đa không quá sáu tháng kể từ ngày giải ngân đối với từng giấy nhận nợ bằng USD phát sinh từ nay đến hết ngày 30-9-2021, với mức lãi suất cho vay tối thiểu 2,5%/năm.
Sẵn sàng sẻ chia
Với diễn biến kéo dài trong cả năm 2020 sang năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới nền kinh tế và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng cũng như Agribank, tăng trưởng tín dụng thấp do nhu cầu vay vốn của khách hàng suy giảm, dẫn đến nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro tăng, công tác thu hồi nợ sau xử lý cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, Agribank vẫn tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng trưởng huy động vốn phù hợp với cân đối vốn, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, tiết giảm chi phí, tạo tiền đề khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tính từ thời điểm dịch bệnh xảy ra đến nay, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ hơn 33 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi hơn 5.000 tỷ đồng; hạ lãi suất đối với hơn 33 nghìn tỷ đồng dư nợ; cho vay mới với doanh số gần 120 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đạt hơn 74 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ngay từ những ngày đầu hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, toàn hệ thống Agribank đã ủng hộ 23 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngay trong tháng 2-2021 khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Agribank đã kịp thời ủng hộ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Nhằm giải quyết hàng nghìn tấn nông sản của nông dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến kỳ thu hoạch đang bị ứ đọng do khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ, xuất khẩu… Agribank đã tích cực phối hợp chính quyền, hội nông dân các địa phương tổ chức thu mua nông sản từ các hộ nông dân, trung chuyển, tiêu thụ hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi sản xuất.
Năm 2021, Agribank xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhằm tích cực thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Ý kiến ()