Ngân hàng sẽ “trợ lực” kịp thời, đúng đối tượng thiệt hại do dịch bệnh nCoV
Trước khi có các cơ chế biện pháp hỗ trợ, hệ thống ngân hàng cần xác định đánh giá tác động thiệt hại do dịch nCoV để hỗ trợ đúng địa chỉ. Các ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp, NHNN bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại ( NHTM ) nếu cần.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. |
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do NHNN tổ chức với sự góp mặt của các ngân hàng.
Xác định danh mục hàng hoá và doanh nghiệp bị thiệt hại
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV hiện nay, dưới sự chỉ đạo chung của Trung ương, Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp. NHNN cũng đã có chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch đối với khách hàng; ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành, NHNN chi nhánh, TCTD mạnh dạn trong hoạt động tín dụng, cơ cấu lại khoản nợ, khoản vay của doanh nghiệp, người dân đã và đang và sẽ chịu ảnh hưởng của hậu quả do dịch gây ra, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp nông thôn, xuất nhập khẩu…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các NHTM đã chia sẻ một số giải pháp nhằm phòng chống dịch nCoV, cũng như đề xuất một số giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, tổn thất do dịch gây ra.
Cụ thể, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank phân tích: Dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là dòng tiền trả nợ đối với những khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng. Đến thời điểm hiện tại Agribank cũng đang triển khai nhưng chưa đánh giá được có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại và số lượng thiệt hại bao nhiêu. Ngân hàng đang cùng khách hàng nhận diện đánh giá những ngành, lĩnh vực, khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Agribank luôn có những gói tín dụng hàng chục ngàn tỷ sẵn sàng giải ngân với lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp.
Còn đại diện Vietcombank, Tổng Giám đốc Phạm Quang Dũng nêu các tính toán sơ bộ: Sẽ có khoảng hơn 50% danh mục hàng hoá Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch này tuỳ mức độ, trong đó 15% bị ảnh hưởng lớn nếu như dịch kéo dài. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn về cơ cấu lại nợ chỉ hướng dẫn trong lĩnh vực nông nghiệp, còn các lĩnh vực khác nếu chuyển nhóm nợ có thể thành nhóm xấu hơn gây bất lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng. Do đó, Vietcombank kiến nghị cần có các chính sách, hướng dẫn từ NHNN để các ngân hàng thuận tiện trong việc cơ cấu lại nợ, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho rằng, các ngân hàng cần có từng gói tín dụng với thời hạn cụ thể như 6 tháng, 12 tháng, có kế hoạch chi tiết tạo sự chủ động cho cả khách hàng và ngân hàng.
Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc SHB cho biết, SHB coi đây là cơ hội đẩy mạnh dùng các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến (online). Ngân hàng cũng nỗ lực miễn giảm phí chuyển tiền online, ngân hàng điện tử đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng logistics, xuất nhập khẩu bị thiệt hại, nhưng ngân hàng đang gặp khó vì hạn mức thanh toán. SHB tìm đối tác, tư vấn giúp khách hàng, với các sản phẩm xuất khẩu nông sản ra nước ngoài trong đó có Trung Quốc giúp DN giảm thiểu khó khăn.
Đại diện các ngân hàng khác như BIDV, ACB, Vietinbank, SHB, LienVietPostBank, MB… đã báo cáo tình hình thống nhất quan điểm về hỗ trợ cho doanh nghiệp, khách hàng chịu ảnh hưởng từ virus Corona đó là sẽ giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…
2 tuần phải có cơ chế cơ cấu nợ, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Tình hình kinh tế vĩ mô cho đến hết năm 2019 là rất thuận lợi với 12 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều đạt và vượt.
Tuy nhiên dịch nCoV kéo dài sẽ ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng kinh tế, cơ quan quản lý đã kịch bản tăng trưởng bị ảnh hưởng, nhưng tinh thần của Chính phủ là kiên định, chưa xem xét điều chỉnh giảm các mục tiêu đặt ra.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị mỗi NHTM cần tổng hợp tự xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch nCoV để báo cáo NHNN (trước 12/2/2020), các ngân hàng cần xác định hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Nhà nước nhưng vì lâu dài cũng gắn với lợi ích của chính mình, “doanh nghiệp khoẻ ngân hàng mới mạnh”.
Cụ thể, Phó Thống đốc gợi ý các ngân hàng xác định thiệt hại, tính toán cơ cấu lại dư nợ, kéo dãn thời gian trả nợ, giảm lãi trong hợp đồng, tiến hành các biện pháp cho vay mới để “trợ lực ” các doanh nghiệp duy trì phát triển….
Hiện Nghị định 116/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có quy định việc cơ cấu nợ hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi dịch bệnh hiện tại lại gây khó cho các ngành khác như dịch vụ du lịch, hàng không…
Do đó, NHNN cũng cần bổ sung cơ chế chính sách phù hợp cho sát với thực tế hơn.
“Các Vụ, Cục chức năng liên quan muộn nhất trong 2 tuần tới cần khẩn trương có các cơ chế, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này”, ông Đào Minh Tú giao nhiệm vụ với thời hạn cụ thể.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lưu ý: Hỗ trợ phải đúng địa chỉ, không được để tình trạng làm theo phong trào, mập mờ, che đậy sai phạm thiệt hại không phải do dịch bệnh, lợi dụng nhận hỗ trợ, tranh thủ cơ cấu lại nợ.
Lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng hưởng ứng tinh thần chung là giảm lãi suất hỗ trợ khó khăn doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh. Các gói hỗ trợ cần công bố rộng rãi, “nói là làm”, đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc các ưu đãi về lãi suất đặc biệt với 5 lĩnh vực ưu tiên bảo đảm đi vào cuộc sống chia sẻ với DN, cộng đồng. NHNN bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM nếu cần.
Về rủi ro lây bệnh qua giao dịch tiền mặt, Phó Thống đốc cũng khuyến cáo người dân, bên cạnh việc dùng các biện pháp để bảo vệ bản thân thì cần hạn chế dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, đến chỗ đông người, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan nCoV.
Hiện nay, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỉ trọng lớn ở Việt Nam, chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt, hơn nữa việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch.
Do đó, để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo NH các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông. Với số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các ngân hàng sẽ tạm thời để lưu trong khu vực cách ly với thời gian đủ lâu và đưa vào sử dụng ở thời điểm thích hợp, vẫn bảo đảm an toàn khi giao dịch.
“Vẫn phải bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân, đồng thời vẫn cần mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến (online) và giao Vụ Thanh toán cần nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Ý kiến ()