Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn như một mũi tên trúng nhiều đích, vừa được tiếng làm theo chủ trương của Nhà nước, vừa giải bài toán trần tín dụng, mà mảng kinh doanh này cũng không đến nỗi quá khó "xơi". Đại diện phòng tín dụng Ngân hàng Liên Việt cho biết, với lãi suất thấp hơn so với cho vay phi sản xuất từ 1 đến 1,5% một năm, gói tín dụng đối với khách hàng nông thôn của nhà băng này cực hút khách. Nhiều ngân hàng xác nhận gần đây có nới lỏng hơn đối với khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn, điều kiện và thời gian giải ngân cũng không quá khắt khe so với trước. Thời điểm hiện tại, nông dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì ngày càng có nhiều đơn vị ưu đãi cho vay nông nghiệp nông thôn. Ảnh minh họa: Hoàng Đan.Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Liên Việt Bank cho biết, chủ trương triển khai cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng này có từ lâu nhưng giờ đang được đẩy...
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn như một mũi tên trúng nhiều đích, vừa được tiếng làm theo chủ trương của Nhà nước, vừa giải bài toán trần tín dụng, mà mảng kinh doanh này cũng không đến nỗi quá khó “xơi”.
Đại diện phòng tín dụng Ngân hàng Liên Việt cho biết, với lãi suất thấp hơn so với cho vay phi sản xuất từ 1 đến 1,5% một năm, gói tín dụng đối với khách hàng nông thôn của nhà băng này cực hút khách.
Nhiều ngân hàng xác nhận gần đây có nới lỏng hơn đối với khách hàng khu vực nông nghiệp nông thôn, điều kiện và thời gian giải ngân cũng không quá khắt khe so với trước.
|
Thời điểm hiện tại, nông dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì ngày càng có nhiều đơn vị ưu đãi cho vay nông nghiệp nông thôn. Ảnh minh họa: Hoàng Đan. |
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Liên Việt Bank cho biết, chủ trương triển khai cho vay nông nghiệp nông thôn của ngân hàng này có từ lâu nhưng giờ đang được đẩy mạnh. Bản thân ông Hưởng từng làm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại gia trong mảng tín dụng nông nghiệp, nên khá am hiểu về tiềm năng to lớn của đối tượng khách hàng này.
Nhận định về sự quan tâm của một số nhà băng khác với tín dụng nông thôn, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, có thể những đơn vị này đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường nông thôn, nông dân nên bắt đầu tiếp cận. Theo ông, cho vay nông thôn là phương thức “cho vay tay phải thu nợ tay trái”. Theo đó, ngân hàng là trung gian giữa nông dân với doanh nghiệp, cho nông dân vay và thu nợ doanh nghiệp vì nông dân bán sản phẩm cho doanh nghiệp. Nhờ đó, ngân hàng có thể thu được không chỉ tiền Việt mà còn một số lượng ngoại tệ tương đối.
“Đây là thị trường tiềm năng, hơn nữa cho nông thôn nông dân vay vốn là cách kinh doanh “không bỏ trứng vào một giỏ”. Rủi ro thấp, vì các món cho vay nông nghiệp thường nhỏ và không tập trung”, ông Hưởng nói.
Hiện tại, tỷ lệ tín dụng nông nghiệp của nhà băng này đạt xấp xỉ 50% so với các loại hình khác. Lãi suất thí điểm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng khá ưu đãi, thậm chí còn thấp hơn một số ngân hàng quốc doanh.
Phó phòng tín dụng một ngân hàng thương mại có trụ sở chính ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội thừa nhận việc ưu đãi cho vay nông nghiệp nông thôn đang diễn ra đúng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng này cũng triển khai gói cho vay nông nghiệp và xuất khẩu với ưu đãi lãi suất thấp hơn 2,5% so với quy định.
Cũng theo tiết lộ của phó phòng tín dụng này, cho vay nông nghiệp nông thôn hiện chiếm tỷ trọng trên 10% trong tổng dư nợ của ngân hàng, tăng gấp gần hai lần so với thời điểm trước.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, trong bối cảnh Nhà nước triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt, tín dụng bất động sản, chứng khoán… bị siết như hiện nay thì khách hàng nông nghiệp là một kênh khá an toàn, ổn định đồng thời đúng chủ trương của Nhà nước, dù lợi nhuận không bằng cho vay phi sản xuất.
Một số ngân hàng không chủ trương phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn cũng đang có động thái nới dần ở mảng này. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng và Tài chính cá nhân Techcombank cho biết, nhà băng này không chủ trương phát triển mạnh về cho nông dân vay vốn, song cũng sẽ có những chính sách nhất định về vốn đối với từng khu vực, địa bàn, trong đó có khách hàng ở khu vực nông thôn.
Một chuyên gia quản lý quỹ nhìn nhận thực tế từ trước tới nay, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại thường không chú trọng mảng cho vay nông nghiệp nông thôn. Nguyên nhân là những dự án thường nhỏ về quy mô, chỉ vay khoảng vài chục triệu đồng nên tổ chức tín dụng thường khá tốn kém trong quản lý.
Tuy nhiên, do áp lực giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất, các ngân hàng buộc tìm cách đẩy tỷ trọng ở những mảng khác tăng lên nếu không thể thu hồi nợ bất động sản, chứng khoán. Do vậy, theo ông, động thái nới tín dụng nông nghiệp nông thôn của nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian qua gần như là mũi tên trúng nhiều đích. Trong đó, hai đích lớn nhất chính là sự chấp hành khuyến khích của Nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn và đảm bảo tỷ lệ dư nợ đúng như quy định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, chỉ những ngân hàng có tỷ trọng cho vay phi sản xuất dưới 20% mới có thể “lách” theo kiểu trên. Nếu dư nợ cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… vượt quá 20%, ngân hàng sẽ không thể tăng tín dụng thêm nữa vì vướng quy định về tổng tăng trưởng cả năm phải dưới 20%.
Theo VnExpress
Ý kiến ()