Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đơn giản hóa thủ tục cho vay
LSO- Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Lạng Sơn đã không ngừng tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn. Hiện nay, dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm 81% tổng dư nợ của toàn chi nhánh, góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hoạt động giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Bắt đầu từ tháng 1/2015, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện cho vay theo hạn mức hộ kinh tế gia đình. Thực hiện theo cách cho vay mới, cán bộ ngân hàng phối hợp với UBND xã, thị trấn xác định nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh đối với các hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình được xác nhận hạn mức cho vay sẽ có một bộ hồ sơ để vay vốn trong thời hạn 3 năm. Mỗi hộ gia đình này sẽ được vay nhiều lần theo nhu cầu cho đến khi hết hạn mức đã được xác nhận trong hồ sơ, mà mỗi lần vay chỉ cần có một đơn xin vay vốn. Sau thời hạn 3 năm, Ngân hàng sẽ xác nhận lại hạn mức vay, khách hàng sẽ có bộ hồ sơ mới, hạn mức vay mới. Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trước đây, một hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phải làm một bộ hồ sơ với đầy đủ giấy xác nhận của UBND xã, đơn xin vay vốn… Sau đó, cán bộ ngân hàng phải đến tận hộ gia đình thẩm định đúng quy trình, quy định cho vay. Mỗi lần vay đều phải làm đủ thủ tục như vậy nên cả ngân hàng và người vay đều tốn thời gian, công sức, giải ngân vốn lại không kịp thời, ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cách thực hiện cho vay theo hạn mức hộ kinh tế gia đình là một bước cải cách thủ tục hành chính cho vay, tránh được các thủ tục rườm rà, tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo điều kiện cho hộ dân vay vốn thuận lợi, đáp ứng nhanh nhu cầu sử dụng vốn. Cán bộ tín dụng cũng dễ quản lý hộ vay vốn.
Cách cho vay vốn theo hạn mức hộ kinh tế gia đình đã được các hộ dân đồng tình ủng hộ, công tác giải ngân vốn thuận lợi, nhanh chóng, đầu tư vốn kịp thời hơn cho sản xuất, kinh doanh. Từ đó, dư nợ vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng. Hiện nay, dư nợ hơn 2.754 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với năm 2014, chiếm 81% tổng dư nợ của toàn Chi nhánh với hơn 100 nghìn khách hàng là cá nhân, hộ kinh tế gia đình đang sử dụng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ vốn cho vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả trên 51 tỷ đồng, nhiều nhất ở các huyện Đình Lập, Tràng Định; cho vay hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò của tỉnh là 57 tỷ đồng, hơn 1.700 hộ vay, tập trung ở huyện Chi Lăng. Để đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả cao, các chi nhánh huyện đã luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, nắm nhu cầu vay vốn, xây dựng kế hoạch tăng trưởng dư nợ sát với tình hình thực tế. Trong quá trình sử dụng vốn, hằng năm, cán bộ tín dụng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể xã, thị trấn kiểm tra, đôn đốc thường xuyên các hộ vay vốn. Từ đó, sử dụng vốn có hiệu quả, nợ xấu thấp. Nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện chưa đến 1% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn.
Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, tập trung vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch đến cuối năm 2015 đạt dư nợ 3.100 tỷ đồng. Với cách cho vay theo hạn mức hộ kinh tế gia đình, Chi nhánh đảm bảo thực hiện đúng quy định về lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn… Qua đó, giúp hộ vay có vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()