Ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Với kết quả nợ tín dụng tới thời điểm hiện tại cùng với những chính sách của ngành ngân hàng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hi vọng cuối năm nay mức tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục góp phần vào việc đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế từ 6,5 đến 7%.
0:0008/09/2024 14:23
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024 vừa qua.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cập nhật số liệu mới nhất đến 7/9, dư nợ tín dụng tăng 7,75% (mục tiêu cả năm là 15%). Những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm, có thời điểm âm tới 2% trong 3 tháng đầu năm. Từ tháng 4 trở đi, tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Tăng trưởng trong tháng 7, tháng 8 tích cực hơn. Thời điểm này của năm 2023 mới đạt 5,33% và cuối năm vẫn đạt được con số mục tiêu đặt ra là 13,71%.
"Năm nay, tình hình khởi sắc rất nhiều, tốc độ tăng trưởng trên tất cả các mục được đánh giá rất tích cực, chúng tôi tin rằng chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu 15%", Phó Thống đốc nhận định.
Lãnh đạo NHNN cũng lưu ý: Mục tiêu tăng trưởng 15% là con số định hướng trong điều hành, không phải con số áp đặt nhưng quan trọng nhất lúc này là làm sao tập trung tăng trưởng tín dụng, tức là mở rộng đầu tư để góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
NHNN cũng có đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. Theo số liệu hiện nay, lãi suất đã giảm khá tích cực. Lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%, tăng 0,23%, ở mức nhỏ với một số ngân hàng thương mại nhỏ.
Do đó, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp. Khi tăng chi phí trả lãi tiền gửi nhưng cho vay lại giảm thì chênh lệch đầu vào đầu ra sẽ thu hẹp
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đánh giá tỉ giá ở mức ổn định, khi mức mất giá của đồng tiền đến nay mới chỉ có 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. NHNN tục duy trì tỉ giá ổn định, hợp lý và thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định: Khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại đủ cho nhu cầu vốn tín dụng. Quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Ngành ngân hàng đã triển khai các hội nghị kết nối của tất cả 63 tỉnh, thành phố. Các chính sách tín dụng ưu đãi, các chính sách tín dụng trong chương trình mục tiêu đều được triển khai rất quyết liệt. Về cơ chế chính sách, sau khi thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng mới, nhiều thủ tục đã tinh gọn, đây là điều kiện cho các ngân hàng thương mại có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay.
Trong thời gian sắp tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại tập trung hơn nữa vào những lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Những gói tín dụng ưu đãi như gói 140.000 tỷ đồng (vì có 4 ngân hàng thương mại đăng ký thêm) cũng như gói cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số 30.000 tỷ đồng, dự kiến đạt 36.000 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN có thể tiếp tục tăng số dư của gói này lên dự kiến khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng.
Gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ cũng sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, lãi suất giảm bớt, trước đây là 2% thì nay giảm thêm 1% nữa thành 3%, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại cũng đã tích cực triển khai ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, NHNN. Cụ thể, VietinBank đã thực hiện tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay như: ứng dụng Big Data, trí tuệ nhân tạo trong phân tích và nghiên cứu nhu cầu khách hàng, từ đó có cơ sở thiết kế giải pháp cho vay đối với từng phân khúc; ứng dụng công nghệ vào quá trình phê duyệt cấp tín dụng để tiết giảm chi phí (nhân sự, giấy tờ, thời gian đi lại) của khách hàng và qua đó hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn nhanh hơn. Việc chuyển đổi số không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận của VietinBank, cho phép ngân hàng phục vụ nhiều đối tượng khách hàng hơn, bao gồm cả những khách hàng ở khu vực xa xôi.
Còn Vietcombank, trong nửa đầu năm 2024, đã tiên phong thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chủ động triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các phân khúc, đối tượng ưu tiên: Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi; Chương trình cho vay khách hàng FDI; Chương trình cho vay lãi suất cố định 1-5 năm; Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh ưu đãi cho khách hàng DNNVV; hộ kinh doanh; Chương trình an tâm lãi suất… Vietcombank đang nghiên cứu số hóa toàn bộ quy trình cho vay KHCN nhỏ lẻ để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng...
Ý kiến ()