Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu
LSO-Từ đầu năm 2013 đến nay, hệ thống ngân hàng tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường để giảm nợ xấu.
LSO-Từ đầu năm 2013 đến nay, hệ thống ngân hàng tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường để giảm nợ xấu. Trong đó, đã thực hiện nghiêm túc 3 đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa, từ 12% xuống còn 9%/năm; cơ cấu lại nợ đối với 732,9 tỷ đồng, tăng 62,2 tỷ đồng so với cuối năm 2012; dư nợ cho vay ở mức lãi suất thấp từ 7%/năm đến 13%/năm là 6.019,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu không giảm, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Hiện nợ xấu chiếm 7% tổng dư nợ, tăng 3,7% so với năm 2012, trong đó có một số khoản nợ xấu cần có biện pháp xử lý. Kế hoạch triển khai Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng của UBND tỉnh đã xây dựng các giải pháp cụ thể về xử lý nợ xấu, phòng ngừa, hạn chế nợ xấu; các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường bất động sản.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn |
Bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện theo kế hoạch và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 13/9/2013, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã có văn bản chỉ đạo gửi đến các ngân hàng trên địa bàn. Chi nhánh chỉ đạo các ngân hàng khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ rủi ro và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý nợ thích hợp. Các ngân hàng phải thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, trong đó ưu tiên xử lý các khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo. Đặc biệt, phải tiếp tục chủ động phối hợp với khách hàng để cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi suất vay, hạ lãi suất vay phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng tiếp tục ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bất động sản và các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế trong những tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong thủ tục vay, dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp, tính đến 31/8/2013, tổng dư nợ mới tăng 5,4% (mục tiêu tăng trưởng dư nợ của toàn ngành là 12%, toàn quốc hiện thực hiện đạt 6%). Vì vậy, trong công tác cho vay, ngân hàng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng trưởng tín dụng phát triển kinh tế của tỉnh.
Để triển khai đầy đủ và tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng có liên quan đến xử lý nợ xấu, Chi nhánh tỉnh còn tăng cường công tác thanh tra, giám sát và đôn đốc các ngân hàng. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong những tháng cuối năm 2013 sẽ tập trung vào việc chấp hành các quy định về cấp tín dụng, quy trình, thủ tục vay; các quy định của pháp luật về tiền tệ, phòng ngừa, xử lý nợ rủi ro và kiểm tra, giám sát chặt chẽ kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, chi nhánh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, chính sách, giải pháp xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm của ngân hàng. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()