Ngân hàng Nhà nước ban hành các giải pháp thắt chặt tiền tệ
Ngày 1-3-2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, mục tiêu trong năm 2011, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% đến 16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.Với mục tiêu nêu trên, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, các TCTD xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô khác của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, giao kế hoạch kinh doanh cho chi nhánh và các đơn vị trực thuộc phù hợp tốc độ tăng trưởng tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. NHNN lưu ý, không để thiếu hụt...
Ngày 1-3-2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, mục tiêu trong năm 2011, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15% đến 16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.
Với mục tiêu nêu trên, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, các TCTD xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô khác của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, giao kế hoạch kinh doanh cho chi nhánh và các đơn vị trực thuộc phù hợp tốc độ tăng trưởng tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. NHNN lưu ý, không để thiếu hụt vốn khả dụng thanh toán; vốn tín dụng tập trung ưu tiên cho sản xuất – kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
NHNN yêu cầu đến 30-6-2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31-12-2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong sáu tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Đến 30-6-2011, nếu tốc độ tăng tín dụng có thể vượt mục tiêu theo Nghị quyết 11/NQ-CP, NHNN áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để kiểm soát tín dụng. Sáu tháng đầu năm 2011, NHNN tập trung thanh tra về cho vay lĩnh vực phi sản xuất và sáu tháng cuối năm, sẽ tập trung thanh tra chất lượng tín dụng và việc thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động kinh doanh của TCTD. Các TCTD hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu. Công bố công khai lãi suất huy động và cho vay trên website và tại các chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng. Chỉ thị nêu rõ: 'Không được thực hiện các nghiệp vụ nhằm che giấu nợ xấu như cho vay để trả nợ cũ, không chuyển nợ quá hạn mà kéo dài thời hạn vay đối với khoản vay không có khả năng thu hồi nợ, chuyển cho vay ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn không đúng đối tượng… Giám sát chặt chẽ nợ xấu phát sinh'.
Về điều hành tỷ giá và quản lý thị trường ngoại hối, Chỉ thị nhấn mạnh điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường ngoại tệ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân trước hết là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý; bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện các giải pháp nhằm giảm tình trạng đô-la hóa, chuyển dần quan hệ huy động – cho vay bằng ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua – bán ngoại tệ. Tiếp tục thực hiện các biện pháp về quản lý sử dụng ngoại tệ, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, cho vay bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.
Kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng; theo dõi và dự báo sát tình hình biến động giá vàng quốc tế, cung – cầu trong nước, chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng, điều tiết và ổn định giá vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Cùng ngày, Thống đốc NHNN cũng có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD trên địa bàn cho vay vốn ở mức hợp lý, giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán…; chỉ đạo các sở, ngành chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra kinh doanh ngoại tệ, vàng trên địa bàn theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh vàng, ngoại tệ, niêm yết giá mua bán bằng ngoại tệ trái phép.
Trong buổi họp báo cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ điều hành công cụ lãi suất thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, khi thực hiện xong mục tiêu này mới tính đến lộ trình giảm dần lãi suất huy động và cho vay. Thống đốc khẳng định, tính đến hết tháng 2, NHNN đã hút 100 nghìn tỷ đồng ra khỏi thị trường và chỉ còn lại 27 nghìn tỷ đồng trong hệ thống. Thống đốc cũng cho biết các tổng công ty Nhà nước về cơ bản đang thực hiện khá tốt việc bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng, NHNN chưa phát hiện thấy tình trạng găm giữ ngoại tệ nào. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()