Sau hơn sáu tháng triển khai, đến nay "Ngân hàng Lương thực cộng đồng" (NHLTCĐ) ở huyện ĐÁC Hà (Kon Tum) đã và đang phát huy hiệu quả. Bà con các dân tộc thiểu số không phải bán nông sản non cho tư thương, nhưng vẫn có đủ cái ăn qua những ngày giáp hạt. Điều này cho thấy, NHLTCĐ đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo tại địa phương...Vợ chồng Y Rải đã có cái ăn trong ngày giáp hạt. Hiệu quả từ những "ngân hàng"Gần hai tháng làm thuê cuốc mướn, dò tìm phế liệu để kiếm tiền mua lương thực trong những ngày giáp hạt; cuối cùng ông A Ben trú ở thôn Kon Trang Mơ Nay, xã Đác La, huyện Đác Hà (Kon Tum) vẫn không thể kiếm đủ tiền để mua cái ăn cho gia đình. Vì thiếu đói, ông đành "nhắm mắt đưa chân" tìm đến tư thương mua lúa non. Trên đường đi, biết tin "ngân hàng" của thôn mới chở lúa về, A Ben tức tốc tìm đến vay một bao đem về nhà cho vợ, trong niềm vui mừng của gia đình. 50 kg thóc này sẽ...
Sau hơn sáu tháng triển khai, đến nay “Ngân hàng Lương thực cộng đồng” (NHLTCĐ) ở huyện ĐÁC Hà (Kon Tum) đã và đang phát huy hiệu quả. Bà con các dân tộc thiểu số không phải bán nông sản non cho tư thương, nhưng vẫn có đủ cái ăn qua những ngày giáp hạt. Điều này cho thấy, NHLTCĐ đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người dân nghèo tại địa phương…
Vợ chồng Y Rải đã có cái ăn trong ngày giáp hạt.
Hiệu quả từ những “ngân hàng”
Gần hai tháng làm thuê cuốc mướn, dò tìm phế liệu để kiếm tiền mua lương thực trong những ngày giáp hạt; cuối cùng ông A Ben trú ở thôn Kon Trang Mơ Nay, xã Đác La, huyện Đác Hà (Kon Tum) vẫn không thể kiếm đủ tiền để mua cái ăn cho gia đình. Vì thiếu đói, ông đành “nhắm mắt đưa chân” tìm đến tư thương mua lúa non. Trên đường đi, biết tin “ngân hàng” của thôn mới chở lúa về, A Ben tức tốc tìm đến vay một bao đem về nhà cho vợ, trong niềm vui mừng của gia đình. 50 kg thóc này sẽ giúp gia đình A Ben dè sẻn đến ngày lúa ngoài đồng chín rộ, không những vậy, nó còn giúp ông không phải “thiệt đơn thiệt kép” bởi bán mỳ rẻ, mua nợ lúa với giá đắt của tư thương.
Chỉ cho chúng tôi bao thóc vơi gần nửa ở góc nhà, A Ben hồ hởi: Năm nào cũng vậy, nhà mình đều phải đi mua lúa của tư thương. Đến mùa thu hoạch mỳ (sắn), mình lại phải bán cho họ với giá rất rẻ; trong khi lúa họ bán cho mình với giá cắt cổ. Biết là thiệt đấy, nhưng vì không có cái ăn nên giá đắt mấy mình cũng phải mua. Bây giờ được vay lúa của “ngân hàng” thôn để cứu đói, mình không phải lo nghĩ đến việc phải bán mỳ rẻ cho tư thương nữa.
Cũng có hoàn cảnh thiếu đói như A Ben, bao năm nay gia đình ông A Manh, trú ở làng Kon Joong, xã Ngọc Réo (Đác Hà) cũng phải mua lúa non cứu đói. Nhà có chín miệng ăn, mỗi kỳ giáp hạt ông lại cùng với vợ con “nhắm mắt làm liều” mua lúa của tư thương. Đến lúc thu hoạch mỳ (sắn) lại phải “trả nợ” cho họ với giá như cho. A Manh bức xúc: Hàng chục năm nay, gia đình mình phải sống trong tình cảnh bất công như thế. Cũng vì bán củ mỳ, hạt bắp trên rẫy với giá rẻ, mua lúa nợ lúc giáp hạt quá đắt nên gia đình mình không thể thoát nghèo. Nay có “ngân hàng” của thôn cho mình vay lúa, đến mùa mang trả mà không tính lãi, gia đình mình rất vui…
Những vấn đề nêu trên là những chia sẻ của hai gia đình trong hàng nghìn gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở Đăk Hà mỗi khi giáp hạt, phải mua nợ lương thực của tư thương với giá cao…
Trò chuyện với chúng tôi, anh A Bin, Trưởng thôn Kon Trang Mơ Nay, xã Đác La cho biết: Toàn thôn có 226 hộ, với 1.319 nhân khẩu, nhưng có đến 120 hộ thiếu đói giáp hạt từ hai đến ba tháng. Trong thời gian ấy, họ phải tìm đủ cách làm thuê cuốc mướn để kiếm tiền mua lương thực sống qua ngày. Tiền kiếm được từ dò tìm phế liệu, cuốc đất làm thuê chẳng đáng là bao trong khi phải mua nợ lương thực của tư thương ép giá. Đây là vấn đề nan giải mà bấy lâu nay địa phương chưa tìm được lối thoát. Bây giờ có “ngân hàng lương thực” tại thôn, hỗ trợ người nghèo không tính lãi giúp bà con giảm bớt khó khăn trong những ngày giáp hạt…
Theo đồng chí Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Đác La: Hiện tại 6/6 làng đồng bào dân tộc thiểu số đã có “ngân hàng”. Các ngân hàng này hoạt động có hiệu quả, đã kịp thời giải quyết lương thực cho đồng bào vay để cứu đói trong những ngày giáp hạt vừa qua…
Từ cái khó của dân nảy sinh sáng kiến
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết: Trong những lần đi “mục sở thị” cuộc sống của bà con nhân dân; được chứng kiến cảnh bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn bán nông sản non cho tư thương với giá rẻ, mua lương thực với giá quá đắt; đồng chí Phạm Đức Hạnh – Chủ tịch UBND huyện Đác Hà lúc bấy giờ (nay là Bí thư Huyện ủy Đác Hà) đã nảy sinh sáng kiến xây dựng các NHLTCĐ ngay tại các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi ngân hàng được cấp năm tấn lương thực để “làm vốn”. Trước hết, mỗi ngân hàng được UBND huyện Đác Hà trích ngân sách địa phương mua và cấp một tấn lúa. Số còn lại, được các cấp huy động sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp; kết hợp với vận động bà con mang nguồn lương thực dôi dư trong gia đình và cộng đồng dự trữ vào ngân hàng.
Để có kho cất chứa, các cơ quan đỡ đầu thôn, làng hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng. Số còn thiếu và công xây dựng kho do bà con trong thôn tự nguyện đóng góp. Chỉ chưa đầy một tháng triển khai, 59 nhà kho được xây dựng cạnh nhà rông, nhà già làng, trưởng thôn ở các buôn, làng. Ở mỗi “ngân hàng” thôn đều bầu ra Tổ điều hành, với các thành phần gồm già làng, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, v.v. đảm nhiệm điều hành việc cho vay, thu hồi lương thực nhập kho khi đến thời hạn. Dưới sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Phương thức hoạt động của các “ngân hàng” đều theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác; hỗ trợ đóng góp của tầng lớp nhân dân trong thôn và cộng đồng xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Đác Hà Nguyễn Thành Trung cho biết: Đến nay, đã có 59/67 làng đồng bào dân tộc thiểu số đã có “ngân hàng”. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm “ngân hàng” tại các thôn còn lại. Trước mắt, đã có rất nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân đứng ra “cấp vốn” hỗ trợ lương thực cho các “ngân hàng”. Điển hình là các tổ chức như Công ty cà-phê Đác Uy; Công ty TNHH Một thành viên 734; Công ty TNHH Một thành viên 731; Công ty TNHH Đức Trường; Công ty TNHH Ngọc Quang, v.v. Ngoài việc giúp đỡ lương thực cho người dân trong những ngày thiếu đói giáp hạt, ngân hàng lương thực cộng đồng còn giúp đỡ địa phương đối phó với thiên tai; hỗ trợ những trường hợp bị thiên tai, hỏa hoạn…
Việc UBND huyện Đác Hà (Kon Tum) thành lập NHLTCĐ tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ góp phần hỗ trợ lương thực cho bà con dân tộc thiểu số nghèo trong những ngày giáp hạt, mà còn hạn chế tối đa việc “cho vay nặng lãi” của tư thương; hạn chế tình trạng “bán nông sản non” của bà con các dân tộc ở địa phương. Đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực và cần được nhân rộng ra các địa phương trên toàn quốc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()