Ngân hàng lương thực cộng đồng ở Ðác Hà
Đầu năm 2011, ở huyện Đác Hà (Kon Tum) đã từng bước hình thành một mô hình ngân hàng lương thực cộng đồng. Từ mô hình đó, đến nay đã huy động hơn 127 tấn lúa, gần 42 tấn gạo và gần 24 triệu đồng cung ứng cho 60 kho lương thực giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại 58 thôn, làng.Giúp dân qua cơn giáp hạtMô hình độc đáo Ngân hàng Lương thực cộng đồng (LTCĐ) xuất phát từ thực tế nhiều khu dân cư trong địa bàn huyện hằng năm thường thiếu lương thực triền miên và người dân thường bị tư thương cho vay lãi suất cao, buộc phải bán lúa non, mì non. Qua trao đổi ý kiến với chúng tôi, một số bà con địa phương cho biết: Vay của tư thương một bao gạo 50 kg, đến mùa thu hoạch bà con phải trả lại 400 kg mì khô. Quy đổi gạo theo giá thị trường bằng khoảng 550 nghìn đồng; trong khi 400 kg mì có giá lên tới 1,6 triệu đồng! Biết là tư thương lấy hết công sức lao động của mình, nhưng chỉ vì thiếu đói nên bà...
Giúp dân qua cơn giáp hạt
Mô hình độc đáo Ngân hàng Lương thực cộng đồng (LTCĐ) xuất phát từ thực tế nhiều khu dân cư trong địa bàn huyện hằng năm thường thiếu lương thực triền miên và người dân thường bị tư thương cho vay lãi suất cao, buộc phải bán lúa non, mì non. Qua trao đổi ý kiến với chúng tôi, một số bà con địa phương cho biết: Vay của tư thương một bao gạo 50 kg, đến mùa thu hoạch bà con phải trả lại 400 kg mì khô. Quy đổi gạo theo giá thị trường bằng khoảng 550 nghìn đồng; trong khi 400 kg mì có giá lên tới 1,6 triệu đồng! Biết là tư thương lấy hết công sức lao động của mình, nhưng chỉ vì thiếu đói nên bà con buộc phải vay… Không chỉ ở Ngọc Wang mà ở nhiều xã khác cũng diễn ra tương tự.
Trước tình hình đó, từ năm 2009, lãnh đạo huyện Đác Hà đã có sáng kiến xây dựng “Kho ngân hàng LTCĐ” để điều tiết lương thực cho người dân lúc khó khăn. Ý tưởng đó đã được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng, cam kết ủng hộ ban đầu mỗi “kho lương thực” ít nhất một tấn lúa tích trữ. Đầu năm nay, một số kho lương thực ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn trong huyện được xây dựng. Kho lương thực được thiết kế phù hợp ở khu vực cao ráo để tránh bị ngập lụt, dễ bảo quản, với diện tích 20-25 m2. Kế hoạch của huyện đề ra, phấn đấu mỗi kho huy động dự trữ được năm tấn lương thực (gồm hai tấn gạo, ba tấn thóc). Thời gian đầu, mỗi kho có một tấn lúa, gạo do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp và một phần ngân sách của huyện.
Nét đặc biệt của kho là chính người dân tại cộng đồng tự điều hành, quản lý. Cụ thể, tổ quản lý kho gồm đại diện già làng, thôn trưởng và ban, ngành, đoàn thể cơ sở. Các kho đều có quy chế hoạt động, quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quản lý; trách nhiệm của người vay; huy động góp vốn; đối tượng được vay; mức vay; phương thức thu hồi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Đối tượng cho vay là các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất. Lãi suất cho vay đối với hộ nghèo 0%/tháng; hộ không nghèo 0,65%/tháng, được tính thu hồi bằng lương thực; thời hạn cho vay không quá 12 tháng; mức cho vay 15 kg gạo/người/tháng (hoặc 20 kg thóc/người/tháng). Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Hoài Vũ, cho biết: Tính đến hết tháng 9-2011, các kho này đã giúp hàng trăm hộ đồng bào DTTS nghèo vay hơn 78 tấn lúa và 31 tấn gạo.
Góp tay xây dựng nông thôn mới
Trao đổi ý kiến chung quanh mô hình Ngân hàng LTCĐ, đồng chí Phạm Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy Đác Hà, khẳng định: Qua một năm triển khai thực hiện, mô hình thật sự góp phần hiệu quả giúp ổn định đời sống cho người nghèo, đặc biệt vùng có đông bà con DTTS. Thực tế cho thấy, hơn 80% số hộ dân thiếu ăn lúc giáp hạt được hỗ trợ kịp thời; giảm tình trạng cho vay nặng lãi; giữ vững tình hình ANTT, TTATXH trên địa bàn. Mô hình đã phát huy tính chủ động, tích cực của người dân và vai trò của cộng đồng, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” bảo đảm an sinh xã hội.
Cán bộ và người dân tại nhiều thôn, bản Kon Tum cho rằng, duy trì tốt Ngân hàng LTCĐ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cơ sở và mỗi người dân, từ đó tạo tiền đề vững chắc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trưởng thôn 3 xã Ngọc Wang, A Ghin cho biết: Thôn có 38 hộ vay lúa, gạo từ kho LTCĐ. Quy chế của thôn mỗi hộ vay không quá một tạ thóc, đối tượng đặc biệt khó khăn vay không phải trả lãi.
Ông A Hrúi ở làng Kon Stiu 2, nói thêm: Gia đình mình có bảy người, nhưng chỉ có hai sào ruộng nước, bốn sào mì, năm sào cao-su. Do ruộng thu được ít lúa, không đủ ăn nên hằng năm phải đi vay của tư thương. Mấy năm rồi gia đình mình nợ triền miên. Được ngân hàng LTCĐ cho vay một tạ lúa, năm nay mình quyết tâm không bán mì non!
Ngân hàng LTCĐ là mô hình đầu tiên thực hiện ở huyện Đác Hà. Được biết, sắp tới tỉnh Kon Tum sẽ nhân rộng ở các địa phương khác trong toàn tỉnh. Để phát huy cao hơn hiệu quả mô hình, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nghĩa Trí, cho biết: Huyện tiếp tục chỉ đạo điều tiết lượng lương thực giữa kho có lượng người vay ít sang kho có lượng người vay nhiều, huy động nguồn lương thực nhàn rỗi trong dân. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp hệ thống kho, bảo quản lương thực tốt hơn, đề ra các phương án bảo đảm lương thực tại chỗ, cứu đói giúp dân trong mùa bão lũ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()