Ngân hàng: Khởi sắc tăng trưởng tín dụng
LSO- Từ tăng trưởng tín dụng âm, đến nay dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng 3,1% so với đầu năm 2015. Đây là kết quả của hàng loạt các biện pháp tăng trưởng tín dụng, nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, đẩy mạnh nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Trong hai tháng đầu năm 2015, dư nợ giảm đáng kể, tổng dư nợ đến tháng 2/2015 là 12.021 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cuối năm 2014. Tập trung thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo sát sao đối với các ngân hàng thương mại trong thực hiện chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại đã cụ thể hoá các giải pháp tăng trưởng dư nợ tại chi nhánh mình như: nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, phát triển khách hàng sử dụng dịch vụ, giảm lãi suất, đặc biệt là có các gói tín dụng lãi suất thấp phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Thực hiện các gói tín dụng lãi suất thấp, tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển đã có gói tín dụng chào xuân 2015 với lãi suất chỉ 6%/năm, gói tín dụng cho vay nhu cầu về nhà ở 7,2%/năm, gói tín dụng mua ô tô lãi suất 7,88%/năm, cho vay các đối tượng khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp trong kì hạn ngắn từ 1 đến 2 tháng (chỉ áp dụng lãi suất từ 7%/năm trở xuống), giảm lãi suất cho vay nhóm các lĩnh vực ưu tiên… Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương có các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó như chương trình Kết nối khách hàng tiềm năng, lãi suất chỉ từ 5%/năm đối với vay ngắn hạn, 6,5%/năm vay trung, dài hạn; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất không quá 6%/năm…
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp & Phát triển nông thôn
Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn vốn vào thị trường nông nghiệp, nông thôn, cho vay đa dạng ngành nghề: kinh doanh dịch vụ, trồng rừng, chăn nuôi… Trong thực hiện, Chi nhánh chỉ đạo các chi nhánh cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành bám nắm mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế ở địa phương, xác định nhu cầu vay vốn, thực hiện đơn giản hoá thủ tục cho vay, chấp hành đúng các quy định về lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên… để tăng trưởng dư nợ. Hiện nay, chi nhánh đang thực hiện cho vay theo hạn mức hộ kinh tế gia đình, phấn đấu đưa dư nợ nông nghiệp, nông thôn đạt 3.100 tỷ đồng vào cuối năm 2015, chiếm 82% tổng dư nợ toàn chi nhánh.
Trong thực hiện các chương trình tín dụng, các ngân hàng đều tư vấn, hướng dẫn tận tình, chu đáo, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các gói tín dụng một cách nhanh chóng, tiện lợi. Song song với các chương trình tín dụng, các ngân hàng thương mại mở rộng khách hàng thông qua phát triển các tiện ích của sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua các dịch vụ như thấu chi, vay lương, phát hành thẻ mua sắm…
Nỗ lực với những biện pháp nhằm tăng trưởng dư nợ, khách hàng, doanh nghiệp đã có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng thương mại từ đó mở rộng cho vay, giải quyết khó khăn về tín dụng. Đến nay, dư nợ tín dụng đã có chuyển biến, tổng dư nợ đạt trên 12.680 tỷ đồng, tăng 3,1% so với 31/12/2014. Trong đó, dư nợ cho vay các loại hình doanh nghiệp gần 6.000 tỷ đồng, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là trên 914 tỷ đồng… Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng tín dụng, giảm nợ xấu trên địa bàn.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ

Ý kiến ()