Ngân hàng – Hợp tác xã: Khó giải bài toán quan hệ tín dụng
(LSO) – Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, số lượng hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn sản xuất của các HTX vẫn tiếp diễn, nguyên nhân nằm ở nút thắt giữa mối quan hệ tín dụng giữa HTX và ngân hàng thương mại.
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 220 HTX đăng ký, tuy nhiên chỉ có 119 HTX đang hoạt động tại các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ vận tải và môi trường. Trong đó, HTX nông nghiệp là chủ yếu chiếm 69,3%. Những năm qua, nhiều HTX đã cố gắng đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vấn đề thiếu vốn đang là rào cản lớn đối với các HTX bởi quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và HTX vẫn là vấn đề nan giải.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện chỉ có 16 HTX có quan hệ tín dụng tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn, chiếm 8% tổng số HTX đang hoạt động; tổng dư nợ gần 48 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,16% dư nợ toàn địa bàn. Những con số này cho thấy sự hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các HTX.
Xã viên hợp tác xã Cửu Long, huyện Hữu Lũng chuẩn bị cây giống cho vụ mới
Ông Liễu Trần Hùng, Giám đốc HTX Phương Đông (huyện Văn Quan) chia sẻ: Để khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất, chúng tôi đã chủ động đa dạng lĩnh vực hoạt động như: dịch vụ tổng hợp, sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên do thiếu vốn nên đến nay kết quả hoạt động vẫn còn hạn chế. Thời gian qua, HTX đã nhiều lần tiếp cận các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, phía ngân hàng chỉ đồng ý cho HTX vay từ 100 đến 200 triệu đồng. Trong khi nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của HTX lên tới 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do HTX không đáp ứng đủ các điều kiện ngân hàng đưa ra.
Thực trạng trên vẫn diễn ra mặc dù thời gian qua, chính sách về vốn cho các HTX được mở rộng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn nói chung và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nói riêng đối với khu vực kinh tế tập thể, trong đó có HTX. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vốn, ngân hàng thương mại vẫn cần các HTX phải có điều kiện cần thiết để hạn chế rủi ro như: chứng minh hiệu quả dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh, có báo cáo tài chính hàng năm rõ ràng, tổ chức đại hội xã viên thường niên và một phần tài sản… Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là đơn vị chính cung cấp nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hiện chỉ có 8 HTX nông nghiệp đang có dư nợ tại ngân hàng với hơn 27 tỷ đồng.
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để phần nào tháo gỡ khó khăn về vốn cho HTX, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn và làm thủ tục cho các HTX được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Trong năm 2018, đã hỗ trợ được 11 HTX lập hồ sơ vay với số vốn gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là con số rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu vốn của các HTX.
Để giải được bài toán về vốn, bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của nhà nước thì các HTX cần năng động hơn trong việc liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ổn định. Đặc biệt, ban lãnh đạo các HTX cần nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành hoạt động sản xuất một cách chuyên nghiệp, báo cáo tài chính minh bạch để tạo dựng niềm tin với các tổ chức tín dụng… Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng cần xem xét tính đặc thù của mô hình HTX cũng như lĩnh vực hoạt động, nhất là đối với các HTX nông nghiệp để có cơ chế đặc thù, hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất. Có như vậy mới góp phần thúc đẩy các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng ngành nghề để phát triển bền vững.
YÊN SƠN
Ý kiến ()