Ngân hàng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai
LSO-Đợt rét đậm, rét hại trong tháng 1/2016 đã làm thiệt hại hàng ngàn héc ta rau màu và hàng nghìn con gia súc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân. Trước thực tế đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ để giúp các hộ dân có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, tiếp tục vươn lên.
Hộ dân xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn chăm sóc đàn bò |
Trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỉ lệ trên 25% trong tổng dư nợ của các ngân hàng (hơn 16 nghìn tỷ đồng). Trong đó, phần lớn nguồn vốn được người dân đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt. Trong đợt rét đậm, rét hại (từ ngày 22/1/2016 đến hết ngày 9/2/2016), nhiều gia cầm, gia súc, rau màu… bị thiệt hại, hộ dân vay vốn trở nên khó khăn. Để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách về thực hiện các giải pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại trên địa bàn.
Bà Trương Thu Hoà, Trưởng Phòng Nghiên cứu Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tổng hợp danh sách các hộ vay vốn bị thiệt hại. Sau đó áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi suất; cho vay mới và các biện pháp khác theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bên cạnh đó, các ngân hàng chủ động rà soát thiệt hại, tăng cường thực hiện công tác an sinh xã hội, nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời đối với các gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện sự chỉ đạo đó, hiện nay, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách đang khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách hộ vay vốn đầu tư bị thiệt hại; xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại để thực hiện các giải pháp hỗ trợ khắc phục. Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Chi nhánh đã kịp thời chỉ đạo các phòng giao dịch huyện chủ động phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác vốn và UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác rà soát các đối tượng vay vốn bị thiệt hại hoa màu, vật nuôi. Căn cứ thực tế bị thiệt hại của các hộ, cán bộ tín dụng đã xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, hướng dẫn các hộ làm hồ sơ theo đúng đối tượng. Sau đó trình trung ương để thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tính đến đầu tháng 3/2016, chi nhánh đã thực hiện xong công tác rà soát, lập danh sách các hộ được xử lý nợ rủi ro với tổng số nợ bị thiệt hại là 200 món vay, số vốn hơn 2,3 tỷ đồng. Cụ thể, xóa nợ và khoanh nợ 43 món, với số tiền trên 900 triệu đồng. Đối với các món vay còn lại bị thiệt hại dưới mức 40% là những đối tượng chưa đủ điều kiện xóa nợ, khoanh nợ, Chi nhánh hướng dẫn làm hồ sơ gia hạn nợ. Thời gian gia hạn nợ tối đa bằng thời hạn đã cho vay.
Cùng với các biện pháp về xử lý nợ như gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, các ngân hàng cũng xem xét, tạo điều kiện cho vay mới để các hộ tiếp tục có vốn đầu tư sản xuất. Bằng những cách làm đó, giúp các hộ dân vay vốn bị thiệt hại yên tâm và nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất, vươn lên ổn định đời sống.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()