LSO-Trước động thái hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn vẫn tỏ ra hết sức thờ ơ. Thờ ơ vì họ còn đang bận lo cho những món vay với lãi suất cao trong khoảng 2 năm vừa qua, thờ ơ vì họ cũng chẳng biết làm cách nào để tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Cái khó của doanh nghiệp hiện nay là vậy, cơ hội đến nhưng chỉ còn biết…đứng ngoài nhìn mà xót xa! Xuất hàng ở Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp thành - Ảnh: Phan CầuKhông dễ tiếp cận “vốn giá rẻ”Ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Sơn An (thành phố Lạng Sơn) cho biết: lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận vẫn là một “khe cửa hẹp” đối với đa số các doanh nghiệp. Đối tượng để các ngân hàng lựa chọn cung ứng vốn lãi suất thấp rất hạn chế, nếu tài sản thế chấp đảm bảo, phương án kinh doanh tốt, hoạt động hiệu quả thì chẳng nói làm gì, còn không thì chả...
LSO-Trước động thái hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Lạng Sơn vẫn tỏ ra hết sức thờ ơ. Thờ ơ vì họ còn đang bận lo cho những món vay với lãi suất cao trong khoảng 2 năm vừa qua, thờ ơ vì họ cũng chẳng biết làm cách nào để tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp. Cái khó của doanh nghiệp hiện nay là vậy, cơ hội đến nhưng chỉ còn biết…đứng ngoài nhìn mà xót xa!
Xuất hàng ở Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp thành – Ảnh: Phan Cầu
Không dễ tiếp cận “vốn giá rẻ”
Ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Sơn An (thành phố Lạng Sơn) cho biết: lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận vẫn là một “khe cửa hẹp” đối với đa số các doanh nghiệp. Đối tượng để các ngân hàng lựa chọn cung ứng vốn lãi suất thấp rất hạn chế, nếu tài sản thế chấp đảm bảo, phương án kinh doanh tốt, hoạt động hiệu quả thì chẳng nói làm gì, còn không thì chả dễ đâu. Các ngân hàng đều thực hiện ưu tiên cho những khách hàng truyền thống lâu năm, những khách hàng “ruột”, những doanh nghiệp lớn… đây là những đối tượng được ngân hàng chào mời vay vốn rất nhiệt tình, còn các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn thì khó vượt qua được công đoạn “kiểm tra sức khỏe” của các ngân hàng lắm. Đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đều đã “hụt hơi” trong việc chứng minh uy tín tín dụng đối với ngân hàng, nhưng chính chúng tôi mới thực sự cần vốn với lãi suất thấp để vực dậy sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thế nào đây khi hầu hết các ngân hàng đều lắc đầu trước hồ sơ vay vốn?
Yêu cầu giấu tên, đại diện một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cho biết: trong bối cảnh rủi ro tín dụng và tình trạng nợ xấu tăng cao như hiện nay, an toàn đồng vốn phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Lãi suất hạ, doanh nghiệp đang khát vốn, cơ hội tăng trưởng tín dụng của chi nhánh hiện hữu rất rõ đấy, nhưng điều kiện cho vay với lãi suất thấp vẫn phải thắt chặt, chính chúng tôi sẽ là người rủi ro nếu “lỏng tay” trong việc kiểm soát vốn vay. Vẫn biết các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng đành phải chờ thôi…!
Lấy gì để trả nợ cũ?
“Hạ thì hạ đấy, giảm thì giảm đấy nhưng tiếp cận được hay không mới là vấn đề, ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng là an toàn tín dụng, mà đã là an toàn thì tài sản thế chấp vẫn là yêu cầu số 1. Nói đến tài sản thì hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi đã… thế chấp ngân hàng từ năm 2010 và năm 2011 rồi, 2 năm vừa qua, chúng tôi phải è cổ chịu lãi suất trên 20%, đến khi lãi suất giảm thì không thể tiếp cận được, lấy tiền đâu để trả nợ cũ, vay món mới bây giờ. Đứng ngoài nhìn thôi!” Ông Nguyễn Tiến Sơn, Chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên khai thác đá ở Hữu Lũng than thở với chúng tôi.
Ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Lạng Sơn cho biết: việc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp tiếp cận ngay được nguồn vốn với lãi suất mới bởi hầu hết họ đang gánh các khoản vay với lãi suất cao trong năm 2010 và 2011, giải quyết được các khoản vay này thì mới có tài sản thế chấp để vay vốn mới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm được một phương án sản xuất kinh doanh tốt, một hồ sơ vay vốn “đẹp” đối với các ngân hàng là vô cùng khó khăn, đặc biệt là việc chứng minh đầu ra của sản phẩm. Chưa nói đến tỉ lệ hạ lãi suất lần này đã tiệm cận được với mức lãi suất doanh nghiệp mong mỏi hay chưa, chỉ nội việc đáp ứng đủ những điều kiện ngân hàng đưa ra để vay vốn lãi suất thấp thì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải chấp nhận đứng bên lề cuộc chơi rồi.
Theo một số doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp từ đầu tháng 3 thì mức giảm lãi suất của các ngân hàng thực tế so với công bố cũng không được như kỳ vọng, chỉ khoảng 1% năm, một số ít ngân hàng giảm từ 2 – 2,5% năm, lãi suất mới trung bình dao động từ 18 – 19% năm, chủ yếu là cho vay ngắn hạn, nhưng điều kiện rất ngặt nghèo. Dù ít dù nhiều, giảm được 1- 2% hiện nay cũng đã là rất quý, nhưng để chạm tới mức lãi suất khả dĩ có thể vực dậy sản xuất của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần giảm sâu hơn, mặt bằng lãi suất ổn định hơn.
Kiểm đếm tiền tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn
Chờ quý II…
Ngày 13/3/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức hạ trần lãi suất huy động xuống còn 13% năm, đây được xem như một bước điều chỉnh đem lại kỳ vọng sẽ tiếp tục kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng đưa ra nhận định: với chiều hướng giảm của lãi suất huy động và kỳ vọng lạm phát giảm, mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm về 14,5% -16,5% trong năm nay.
Nhận định của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới thực sự là điều mà các doanh nghiệp mong mỏi. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc công ty TNHH Hồng Phong lạc quan: nếu lãi suất cho vay có thể giảm về mức từ 14,5% – 16,5% như nhận định của Thống đốc thì đây mới là cơ sở để các doanh nghiệp vực dậy sản xuất, đẩy mạnh phát triển. Chúng tôi rất kỳ vọng có thể chạm mức lãi suất này vào cuối quý II và có thời gian ổn định tương đối. Từ nay đến thời điểm ấy, doanh nghiệp cũng có một khoảng thời gian để chuẩn bị các phương án khả thi để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất mới, giai đoạn này chính là cơ hội vượt qua khó khăn nhưng cũng là liều thuốc thử để thanh lọc hệ thống doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề xây dựng cơ chế bảo lãnh cho vay đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được xem xét một cách nghiêm túc. Dù lãi suất có hạ thấp nhưng vẫn khó tiếp cận như hiện nay thì công cuộc giải cứu các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng rất khó có thể chạm tới đại đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa – đối tượng đang có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nhưng cũng đang cần “phao cứu trợ” nhất, khó khăn nhất, khát vốn nhất hiện nay…
Trúc Lam - Lăng Bích
Ý kiến ()