Ngân hàng gỡ khó cho doanh nghiệp: Lợi ích song hành
LSO-Thời gian qua, hệ thống ngân hàng toàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
LSO-Thời gian qua, hệ thống ngân hàng toàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Kết quả đạt được là rất khả quan. Việc các doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển chung của tỉnh và đương nhiên cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các ngân hàng.
Sản xuất dụng cụ thể thao tại Công ty Cổ phần Động lực- Thành Phát |
Mỗi năm, Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp cung ứng khoảng trên dưới 30.000 tấn phân bón phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Lường trước được những biến động phức tạp của thị trường này, Công ty luôn chủ động nhập hàng khi giá chưa tăng cao để tích trữ và đưa sản phẩm ra thị trường với mức giá bình ổn. Để làm được việc này cần nguồn vốn khá lớn, trung bình hàng năm Công ty vay vốn của ngân hàng từ 30-35 tỷ đồng, lúc cao điểm lên tới trên 50 tỷ đồng. Với khoản vay lớn như vậy nên mỗi biến động về lãi suất cho vay ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: thời điểm trước lãi suất ngân hàng tăng cao, vượt quá 13%/năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp. Vẫn phải đảm bảo bình ổn mặt hàng cho sản xuất trong khi gánh nặng lãi suất ngân hàng khiến cho nhiều lúc doanh nghiệp không có lãi, thậm chí chịu lỗ.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có các đợt điều chỉnh lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay bằng VND phục vụ sản xuất kinh doanh (không phải lĩnh vực ưu tiên) của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh giảm xuống ở mức 10-13%/năm. Ông Nguyễn Thanh Vân cho biết: hiện Công ty đang vay vốn ở Ngân hàng NN&PTNT với lãi suất từ 9-10%/năm, mức lãi suất này đã tháo gỡ cho doanh nghiệp rất nhiều khó khăn. Ngay khi lãi suất cho vay giảm, Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp đã lập tức điều chỉnh giảm giá các mặt hàng phân bón tới vài trăm đồng/kg. Việc giảm lãi suất cho vay và hàng loạt các giải pháp khác được triển khai đã tác động rất tích cực đến các doanh nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 795 doanh nghiệp quan hệ tín dụng với các ngân hàng, tổng dư nợ cho vay lên đến 5.302 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng dư nợ toàn địa bàn. Dư nợ cao, nhưng trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu trong khối này cũng ở mức 537 tỷ đồng, chiếm tới 90,9% nợ xấu toàn địa bàn. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lạng Sơn đã ban hành các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp chủ động đánh giá chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thu nợ, khoanh nợ; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp thông qua các diễn đàn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay. Thực tế đã có nhiều ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với một số doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Một số ngân hàng như NN&PTNT, Đầu tư và Phát triển…đã xem xét thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các khoản cũ (ở thời điểm lãi suất cao) về mức tối đa 13%/năm.
Bà Trương Thu Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu – Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lạng Sơn cho biết: đến đầu tháng 9/2013, tổng dư nợ được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 815 tỷ đồng. Trong đó khách hàng doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn là 462 tỷ đồng. Một số khoản nợ xấu, chủ yếu là từ Nhà máy Xi măng Đồng Bành và các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn hiện nay cũng đã cơ bản giải quyết được một phần khi các nhà máy, công trình này đã bắt đầu vận hành ổn định và tiếp tục triển khai xây dựng.
Theo ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn, hiện nay đơn vị này đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án hiệu quả, khả năng thu hồi vốn cao; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay các khoản cũ…Thực tế đã chứng minh hiệu quả của các giải pháp trên khi các doanh nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi, sản xuất kinh doanh ổn định và được mở rộng, điều này tác động lại một cách tích cực đối với tăng trưởng của các ngân hàng và quan trọng hơn là góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()