Ngân hàng điều chỉnh tỷ giá, doanh nghiệp xuất khẩu tìm giải pháp tận dụng
Giữa tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức cộng trừ 3% lên mức cộng trừ 5%. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng nhà nước tăng biên độ tỷ giá sau 7 năm. Việc điều chỉnh này sẽ có tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Điều chỉnh tỷ giá phần nào hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. |
Khó khăn và thuận lợi đan xen
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, Công ty TNHH Việt Thắng Jean vừa thực hiện hoạt động xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa, vừa nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất sản phẩm. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, việc điều chỉnh tỷ giá giúp hoạt động xuất khẩu có lợi nhưng nhập khẩu sẽ chịu giá cao hơn do điều chỉnh tỷ giá.
“Do việc sản xuất sẽ không như trước nên chúng tôi đã linh hoạt nhập hàng dữ trữ trong kho chứ không còn làm theo cách nhập hàng đến đâu thanh toán đến đó như trước đây”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Gia Định chia sẻ thêm, việc điều chỉnh này đối với những doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Gia Định có những thuận lợi đan xen khó khăn. Thí dụ, thuận lợi là nếu doanh nghiệp làm gia công thì thu nhập sẽ cao hơn sau khi tỷ giá được điều chỉnh ở lần này. Tuy nhiên, với đơn hàng FOB (doanh nghiệp nhận đơn hàng từ khách, nhập nguyên liệu, sau đó tiến hành may và hoàn thành sản phẩm. Việc cuối cùng hoàn thành đơn hàng chính là đưa các sản phẩm ra bến tàu, để chuyển hàng cho khách đã đặt may) thì lại gặp khó khăn bởi vì xuất FOB thì doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về, và nhập về thì phải tính bằng ngoại tệ.
“Khi tỷ giá tăng thì tiền phải trả khách hàng sẽ tăng. Đầu ra có tăng nhưng cũng sẽ không bằng đầu vào, vì vậy lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị giảm đi”, ông Nguyễn Chí Trung nói.
Thực tế cho thấy, tỷ giá ngoại tệ có nhiều biến động khiến doanh nghiệp chịu những tác động. Dù đồng đô la Mỹ tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá đô la Mỹ tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng đô la Mỹ.
Hơn nữa, tiền tệ biến động khiến tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… tăng cao, khiến sức mua của người dân giảm sút, tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đồng đô la Mỹ đang tăng giá trong thời gian qua đã giúp cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản… có thêm lợi thế trên thị trường vì phần lớn các đơn hàng, giao dịch đã được ký kết từ trước. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng đến quý I/2023. Đây là lợi thế cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, do kinh tế vĩ mô Việt Nam rất ổn định, đồng Việt Nam có giá trị cao nên so với các đối thủ bị mất giá trị đồng tiền như Ấn Độ hay Trung Quốc, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị giảm lợi thế cạnh tranh, trong khi nhu cầu lại thấp. Chính vì vậy, 4 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 dự báo thị trường sẽ khá trầm lắng.
Thận trọng với đơn hàng
Dù hoạt động xuất khẩu hàng hóa ít nhiều sẽ gặp thuận lợi do việc điều chỉnh tỷ giá, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp không nên vì thế mà xuất khẩu ồ ạt, ký hàng loạt hợp đồng trong khi hàng không có trong kho.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất sẽ gặp bất lợi hơn. |
Theo Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, từ trước tới nay, giải pháp để các doanh nghiệp ứng phó với các biến động tỷ giá vẫn là tham gia quỹ bảo hiểm tỷ giá để đề phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên còn rất ít doanh nghiệp tham gia quỹ bảo hiểm này.
“Chính vì vậy, trước mắt các doanh nghiệp cần phải làm tốt hơn công tác dự báo để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh với những phương án thích ứng và các kịch bản ứng phó phù hợp nhất. Trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp căn cứ vào diễn biến của của thị trường tiền tệ thế giới cần tính đến phương án thay đổi, đa dạng hóa thị trường tránh những bất lợi và thua thiệt do biến động của tỷ giá gây ra”, ông Lê Quốc Phương nêu quan điểm.
Ở ngành hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam đồng và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo công cụ phái sinh (Derivative instrument) một cách phù hợp, đúng quy định để giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay.
Về lâu dài, các doanh nghiệp được khuyến cáo vẫn phải tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm giảm bớt rủi ro.
Ý kiến ()