Ngân hàng điện tử: Giải pháp hữu hiệu phục vụ khách hàng mùa Covid
(LSO) – Để phục vụ khách hàng trong thời gian dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, giảm tối đa lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp và vẫn đảm bảo lưu thông tiền tệ trên thị trường.
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh xây dựng kịch bản hoạt động, trong đó nâng cao hiệu quả dịch vụ ngân hàng điện tử, hạn chế tiêu dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu cần tập trung thực hiện.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đều chủ động quảng cáo, giới thiệu đến khách hàng về các dịch vụ của ngân hàng điện tử như: ebanking, mobile banking, … đồng thời triển khai các chương trình khuyến mại khi gửi tiền online để thu hút khách hàng. Ông Hoàng Hữu Công, Giám đốc Vietinbank Lạng Sơn cho biết: “Chi nhánh đã triển khai Chương trình “Gửi tiền online cộng ngay lãi suất” áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online trên kênh Ngân hàng điện tử Vietinbank iPay và Vietinbank iPay Mobile App. Khách hàng được cộng ngay thêm 0,15%/năm vào lãi suất so với gửi tiền tại quầy”.
Khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank Bắc Sơn
Đối với khách hàng doanh nghiệp, thường phát sinh các giao dịch ủy nhiệm thu, chi, thanh toán qua ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã tuyên truyền, hướng dẫn và vận động khách hàng triển khai dịch vụ xử lý trực tuyến. Theo đó, khách hàng không cần đến các phòng giao dịch mà có cán bộ ngân hàng có thể thao tác trên Internet banking (ebanking). Đồng thời, để chia sẻ khó khăn với khách hàng, các chi nhánh đều giảm các loại phí giao dịch từ 10 đến 50%/giao dịch.
Bà Trần Thị Nga, Phó Giám đốc Vietcombank Lạng Sơn cho biết: Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng giao dịch trực tuyến, chi nhánh đã thực hiện giảm phí dịch vụ đến 30% với đa số giao dịch từ khi có dịch Covid-19. Qua đó, trong quý I/2020, đã có hơn 2.000 khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử mobible banking, ebanking, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2019 và 500 thẻ ATM quốc tế để thực hiện thanh toán online. Cùng với đó, chi nhánh đang đẩy nhanh tiến độ kết nối dịch vụ công trực tuyến để phục vụ khách hàng nộp các loại thuế, phí online.
Hiệu quả từ ngân hàng điện tử đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc chi trả các dịch vụ thiết yếu. Với một chiếc điện thoại thông minh được kết nối Internet, người dân có thể không ra khỏi nhà một thời gian dài mà vẫn đảm bảo các nhu cầu thiết yếu. Chị Hoàng Thị Tuyết Kiều, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Là thông dịch viên tiếng Trung làm việc tại Bằng Tường (Trung Quốc), từ khi có dịch Covid-19, tôi đã nghỉ ở nhà, đa số việc chi tiêu, mua sắm được chi trả online, từ tiền phí dịch vụ như điện, nước, Internet đến mua sắm thực phẩm, tôi đều chuyển khoản để hạn chế tiếp xúc với người lạ”.
Linh động giải pháp để hoạt động nên trong quý I/2020, ngành ngân hàng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng và đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng thương mại ước đạt 30.460 tỷ đồng, tăng 4,5% so với thời điểm 31/12/2019; dư nợ cho vay đạt 30.890 tỷ đồng, mặc dù giảm 665 tỷ đồng (2,1%) so với thời điểm 31/12/2019, nhưng vẫn tăng 2.487 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019 (8,8%). Đồng thời, lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại quầy đã giảm hơn 40% so với thời điểm trước dịch.
Bà Vi Thị Hoa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động, tiếp tục phát huy lợi thế của ngân hàng điện tử để tạo thuận lợi cho khách hàng. Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục rà soát khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thống kê, đánh giá mức độ ảnh hưởng thiệt hại, báo cáo hội sở tổ chức tín dụng và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Tính đến hết tháng 3/2020, đã có khoảng 60 khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ gần 700 tỷ đồng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi. |
ANH DŨNG
Ý kiến ()