Ngân hàng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch do nCoV
LSO-Những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và các ngành nghề khác nhau trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trước thực trạng này, ngành ngân hàng Lạng Sơn đã có nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh dịch do nCoV.
Nhân viên ngân hàng VPBank thực hiện giao dịch
hỗ trợ vay vốn cho khách hàng
Dịch do nCoV gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, giảm doanh thu của nhiều doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực thuộc ngành du lịch, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải… Hơn nữa, trong bối cảnh nhằm kiểm soát dịch bệnh, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới cũng tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp như tốc độ xuất khẩu chững lại và có dấu hiệu giảm…
Anh Nguyễn Xuân Định, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Diệp (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực vận tải và buôn bán nông sản, từ khi dịch bệnh do nCoV xảy ra hoạt động kinh doanh của chúng tôi bị trì trệ, ách tắc hàng hóa, các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng bị hạn chế làm doanh thu của công ty giảm rất nhiều.
Trước thực trạng đó, hàng loạt ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người vay chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch do nCoV như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, nhanh chóng triển khai các chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.
Ông Nông Văn Như, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ ngày 7/2, ngân hàng đã gửi văn bản đến các chi nhánh huyện rà soát các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh do nCoV để cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất tiền vay. Đến nay, tại hội sở ngân hàng tỉnh đã trực tiếp giảm lãi suất cho 6 khách hàng là doanh nghiệp xuống còn từ 0,5% đến 1,5%, thời gian hỗ trợ giảm lãi suất trong 3 tháng với tổng số tiền lãi giảm (cho 6 doanh nghiệp) là 672 triệu đồng. Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng rà soát và giảm lãi suất còn từ 0,5% đến 1,5% cho 21 cá nhân với thời gian hỗ trợ là 3 tháng. Ngoài ra, với khách hàng vay vốn tái cơ cấu để ổn định sản xuất và kinh doanh, khách hàng khó khăn trong trả nợ, ngân hàng sẽ điều chỉnh gia hạn thời gian trả nợ.
Không chỉ có Agribank, từ ngày 6/2, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV. Ông Đậu Sỹ Quyết, Giám đốc VPBank chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhận định các doanh nghiệp có thể sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ trước đại dịch do nCoV, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm dành cho những doanh nghiệp chịu tác động lớn từ dịch do nCoV. Cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ khách sạn; các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản; các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc…
Là một khách hàng doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi suất vay, ông Vũ Anh Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Quốc tế MC (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch nCoV, gần 2 tháng nay, việc vận tải hàng hóa quá cảnh không thực hiện được, hầu như toàn bộ hoạt động đều dừng hết lại, tài chính sụt giảm. Trước khó khăn đó, Agribank đã chủ động gửi văn bản trao đổi và ký kết hỗ trợ nợ tam thời và giảm lãi suất vay 1,5%/năm cho chúng tôi. Việc hỗ trợ kịp thời của ngân hàng đã góp phần giúp đỡ những doanh nghiệp như chúng tôi bớt gánh nặng trong giai đoạn khó khăn này.
Cùng với cả nước đang cùng chống dịch do nCoV, hành động giảm lãi suất, hỗ trợ vốn của hàng loạt ngân hàng đã giúp được phần nào cho các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn, nhóm lên hy vọng cho rất nhiều doanh nghiệp đang vất vả chống đỡ với cơn bão chi phí vốn cao và hàng tồn kho lớn. Đây cũng chính là cơ hội để ngân hàng thương mại khẳng định thương hiệu và tiềm lực tài chính của mình cũng như sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng. Và đây cũng chính là lúc ngân hàng thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, người dân.
THÙY DUNG
Ý kiến ()