Ngân hàng Chính sách Xã hội: Xử lý kịp thời các khoản nợ rủi ro
LSO-Để nâng cao chất lượng tín dụng, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi…
LSO-Để nâng cao chất lượng tín dụng, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi… Bên cạnh những biện pháp trên, trong năm 2013, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã xem xét, xử lý kịp thời các khoản nợ rủi ro, qua đó giúp các hộ vay nâng cao tinh thần trách nhiệm, yên tâm sử dụng vốn và phát triển sản xuất có hiệu quả.
Hoạt động giao dịch tại xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc |
Tính đến nay, tổng dư nợ vốn toàn chi nhánh tỉnh là 1.708 tỷ đồng, hơn 90 nghìn hộ dân đang sử dụng vốn. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, trong những năm qua, chi nhánh cũng phát sinh không ít những khoản nợ quá hạn, nợ rủi ro. Trên địa bàn tỉnh, những khoản nợ rủi ro thường do các nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh; khách hàng bị mất năng lực hành vi dân sự; ốm đau thường xuyên, mắc bệnh tâm thần; chết, mất tích… Khi gặp rủi ro, không những nguồn vốn không phát huy hiệu quả mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sản xuất của người dân. Vì vậy, để tạo điều kiện và giúp đỡ các hộ vay tiếp tục vươn lên, khắc phục khó khăn trong phát triển sản xuất, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo xử lý kịp thời đối với các khoản nợ bị rủi ro theo đúng quy định tại Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Phòng giao dịch huyện Cao Lộc cho biết: để thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro, cán bộ tín dụng được phân công phụ trách theo địa bàn xã, thị trấn phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sử dụng vốn để kịp thời nắm những khó khăn, rủi ro xảy ra, tìm hiểu nguyên nhân và xác định, kiểm tra chính xác mức độ thiệt hại về vốn, tài sản,… Từ đó xem xét các điều kiện gia hạn nợ, khoanh nợ hoặc xóa nợ đúng quy định.
Thực hiện công tác này, trong những năm qua, Chi nhánh đã chủ động xem xét gia hạn nợ (kéo dài thời hạn trả nợ so với cam kết trong hợp đồng tín dụng) trên cơ sở chu kì sản xuất kinh doanh, thời hạn vay và yêu cầu của các đối tượng vay vốn khi gặp khó khăn, rủi ro. Thời gian gia hạn nợ được thực hiện đúng quy định là tối đa 12 tháng đối với các loại cho vay ngắn hạn; tối đa không quá ½ thời hạn cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn. Trong thời gian gia hạn nợ, các hộ vay được tiếp tục áp dụng mức lãi suất như cũ, được tạo điều kiện sử dụng vốn có hiệu quả… Đối với các trường hợp đủ điều kiện khoanh nợ (chưa thu nợ và không tính lãi tiền vay phát sinh trong thời gian được khoanh nợ), xóa nợ (không thu một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi của khách hàng đang dư nợ), cán bộ tín dụng trực tiếp hướng dẫn khách hàng làm đơn đề nghị xử lý nợ và ngân hàng lập hồ sơ gửi đề nghị Trung ương xem xét khoanh nợ, xóa nợ cho các hộ vay. Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: tính từ đầu năm 2013 đến nay, Chi nhánh tỉnh đã xem xét, đề nghị với Trung ương xử lý 163 món vay bị rủi ro với tổng số tiền là 1.915 triệu đồng, trong đó đề nghị xóa nợ 94 món, 892 triệu đồng, khoanh nợ 69 món với 1.023 triệu đồng. Mới đây, Ngân hàng vừa trình đề nghị Trung ương xóa thêm 6 món vay bị rủi ro, với số tiền 36,6 triệu đồng.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()