Ngân hàng Chính sách Xã hội Tràng Định: Điểm sáng huy động tiết kiệm
(LSO) – Cùng với nhiệm vụ cho vay vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Tràng Định luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động, thực hiện hoàn thành tốt chỉ tiêu huy động vốn trên địa bàn. Năm 2018, phòng giao dịch huyện là đơn vị hoàn thành chỉ tiêu cao nhất trong toàn tỉnh.
Bên cạnh việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân, từ năm 2010 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH Tràng Định thực hiện hiệu quả huy động tiền gửi từ các tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Theo đó, song song với việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chương trình huy động tiết kiệm hộ nghèo, ngay sau khi được giải ngân, người dân được tạo một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng và gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm hộ nghèo. Mục đích, giúp các hộ nghèo hình thành thói quen và có một khoản tiền sử dụng khi cần thiết.Tuy nhiên, thời điểm đầu khi mới triển khai, bà con không mấy hào hứng, bởi hầu hết người dân có thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, chưa nghĩ đến việc tiết kiệm cho tương lai.
Ông Trần Danh Lai, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và Vay vốn thôn Đoỏng Pán, xã Kháng Chiến hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm
Xong đó chỉ là thời gian hai năm đầu thực hiện, bắt đầu từ năm 2013 đến nay, huy động tiền gửi tiết kiệm từ hộ nghèo trên địa bàn huyện Tràng Định đã được người dân hưởng ứng. Hiện nay, toàn huyện có tổng số dư huy động đạt 27,118 tỷ đồng, tăng 9,1 tỷ đồng so với năm 2017, đạt 139,1% kế hoạch giao. Năm 2018, phòng giao dịch huyện hoàn thành chỉ tiêu trước hai tháng, là đơn vị vượt chỉ tiêu giao cao nhất trong các phòng giao dịch toàn tỉnh.
Để có được kết quả đó, phòng giao dịch huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Ông Nông Văn Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Trong các buổi giao dịch hằng tháng cán bộ ngân hàng không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân, thu gốc và lãi định kỳ mà còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm…Đối với công tác huy động tiền gửi từ tổ viên tổ TK&VV, các phòng giao dịch không chỉ tuyên truyền trong ngày giao dịch, mà đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc gửi tiết kiệm của hộ nghèo thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, tổ TK&VV. Cùng với đó, phòng giao dịch thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ cho các tổ TK&VV, giao chỉ tiêu… Nhờ đó, các tổ viên tổ TK&VV nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiểu biết, có kĩ năng tuyên truyền, vận động.
Ông Trần Danh Lai, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Đoỏng Pán, xã Kháng Chiến chia sẻ: Trước đây, các hộ gửi tiền tiết kiệm không đều, mức gửi cũng rất ít, chỉ đến 20 nghìn đồng/tháng. Để nâng cao hiệu quả huy động, tổ đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu về ý nghĩa của chương trình; tổ chức họp và đặt ra mức tiết kiệm tối thiểu hằng tháng từ 50.000 đồng trở lên, mức gửi này được đưa ra bàn bạc, thống nhất trong các tổ viên, gắn với trách nhiệm sử dụng vốn. Từ đó, các hộ vay có trách nhiệm hơn, tự nguyện gửi tiền tiết kiệm cũng như nộp tiền lãi trước ngày giao dịch hằng tháng. Trong tổ hiện nay, mức gửi phổ biến là 50.000 đồng/tháng, có nhiều hộ gửi tiết kiệm trên 100.000 đồng/tháng.
Thời gian qua, gia đình chị Hoàng Thị Huệ, thôn Đoỏng Pán, xã Kháng Chiến luôn thực hiện tốt nhiệm vụ trả lãi và gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ TK&VV. Chị Huệ cho biết: Từ năm 2013 đến nay, gia đình đã nhiều lần vay vốn của NHCSXH để chăn nuôi và trồng rừng. Vì số tiền vay rất lớn nên tôi lo lắng không đủ khả năng trả lãi cho NHCSXH khi đến hạn nộp. Nhưng nhờ gửi tiết kiệm 50 nghìn đồng/tháng, gia đình tôi tích góp được một số tiền để những tháng khó khăn có thể giúp gia đình có tiền nộp lãi, tạo thuận lợi cho gia đình trong việc trả nợ mỗi khi đến hạn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 273/273 tổ TK&VV có số dư huy động tiết kiệm, với các mức gửi khác nhau phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng người dân. Từ đó, giúp các hộ dân có tài khoản tiết kiệm và tạo thêm nguồn vốn cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()