Ngân hàng Chính sách Xã hội: Nỗ lực tăng trưởng dư nợ
(LSO) – Từ đầu năm 2019 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tập trung thực hiện các biện pháp tăng trưởng dư nợ. Nhờ đó, nguồn vốn được kịp thời đưa vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đầu năm 2019, đơn vị được bổ sung nguồn vốn mới là 141,5 tỷ đồng, nhiệm vụ của chi nhánh là không chỉ giải ngân nguồn vốn bổ sung mà còn phải giải ngân nguồn vốn sau khi thu hồi nợ, không được để tồn vốn.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ tăng trưởng dư nợ, đảm bảo nguồn vốn được đưa đến tận tay người dân, chi nhánh chỉ đạo các phòng giao dịch huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giải ngân vốn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn về các chương trình có vốn bổ sung mới, chương trình vốn tăng mức vay, thời hạn vay… Đối với nguồn vốn sau thu hồi phải có kế hoạch giải ngân kịp thời, đúng quy định, đảm bảo hiệu quả quay vòng vốn, không để tồn đọng, gây lãng phí vốn.
Hoạt động giao dịch tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, sự nỗ lực tuyên truyền, thực hiện của các phòng giao dịch huyện, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi tại huyện đạt 375 tỷ đồng, tăng 16,7 tỷ đồng so với năm 2018 (là huyện có tăng trưởng dư nợ nhiều nhất tỉnh). Để có được kết quả đó, đơn vị luôn bám sát định hướng hoạt động của chi nhánh tỉnh, xác định nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, ngay từ đầu năm, đơn vị giao nhiệm vụ cho từng cán bộ tín dụng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chương trình vốn; tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo các xã, thị trấn để giao chỉ tiêu cho các khu, thôn bản; bám sát các chỉ tiêu kế hoạch được giao, rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn để tổng hợp, triển khai lập hồ sơ giải ngân cho vay, không để tồn đọng vốn.
Không chỉ Bắc Sơn, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở các huyện, thành phố cũng đạt được kết quả khá tốt. Từ đầu năm 2019 đến nay, doanh số cho vay toàn chi nhánh đạt 474,6 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ của chi nhánh đạt trên 2.821 tỷ đồng, tăng trưởng 99,1 tỷ đồng so với năm 2018 (đạt 70% chỉ tiêu tăng trưởng năm 2019). Những chương trình tăng trưởng lớn gồm: chương trình cho vay hộ thoát nghèo, tăng 38,1 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tăng 28,6 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tăng 17 tỷ đồng.
Cùng với việc giải ngân nguồn vốn được trung ương giao mới, việc quản lý, thu hồi lãi và nợ gốc đến kỳ hạn cũng được chi nhánh kiểm soát chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chủ động chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để theo dõi, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn phân tích từng khoản nợ quá hạn, phân loại đối tượng có khả năng, không có khả năng thu hồi vốn để áp dụng biện pháp xử lý kịp thời. Từ đầu năm 2019 đến nay, doanh số thu nợ đạt 375,3 tỷ đồng, đơn vị đã kịp thời giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay.
Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng dư nợ, chi nhánh chú trọng đến vai trò các tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ dân về thủ tục vay, bình xét đối tượng vay… Nhờ thực hiện tốt công tác củng cố, kiện toàn, đến nay, số tổ tiết kiệm vay vốn xếp loại tốt, khá chiếm 97,6%.
Theo kế hoạch, chi nhánh phấn đấu đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt 2.850 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị đang khẩn trương chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện công tác giải ngân cho vay, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()