Ngân hàng Chính sách Xã hội: Nhiều giải pháp quản lý, kiểm soát nợ quá hạn
LSO- Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, đến hết năm 2017, số nợ quá hạn mà đơn vị quản lý chiếm 0,1% tổng dư nợ. Để đạt được kết quả này, trong năm qua, chi nhánh không ngừng triển khai thực hiện nhiều giải pháp để quản lý, kiểm soát nợ quá hạn.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Lộc là một trong những đơn vị có nhiều biện pháp giảm nợ quá hạn. Trong năm 2017, nợ quá hạn tại phòng giao dịch là 1,8 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm 2016. Ông Lý Thế Công, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Lộc cho biết: Có được kết quả trên, đơn vị tích cực phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ; hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đồng thời trả nợ, trả lãi đúng thời hạn.
Người dân xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan trả nợ vay tại điểm giao dịch của ngân hàng chính sách
Đối với những hộ dân vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan sẽ được NHCSXH xem xét xử lý nợ. Biện pháp xử lý nợ bị rủi ro gồm: gia hạn nợ, khoanh nợ và xóa nợ tùy từng trường hợp. Ví dụ như với những hộ không may mắn trong quá trình sản xuất, ngân hàng sẽ gia hạn nợ nhằm giúp họ khôi phục sản xuất, có thời gian xoay xở để trả nợ.
Ông Lý Văn Trìu, thôn An Tri, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2011, gia đình tôi được vay 18 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Đến kỳ trả nợ, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, gia đình bị thiệt hại về đàn lợn nên chưa thể trả được. Trước tình hình đó, cán bộ xã, cán bộ NHCSXH trực tiếp xuống tận nhà để động viên, tìm hiểu khó khăn cũng như hướng dẫn đầu tư, phát triển chăn nuôi hiệu quả. Chỉ trong thời gian ngắn, gia đình tôi trả hết số nợ vay của ngân hàng.
Cũng giống như huyện Cao Lộc, tỷ lệ nợ quá hạn tại NHCSXH huyện Tràng Định giảm 19,1% so với năm trước. Theo ông Nông Văn Tâm, Giám đốc NHCSXH huyện Tràng Định: Để xử lý, thu hồi nợ quá hạn, phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với ban thu hồi nợ các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi nợ phù hợp, kịp thời. Đặc biệt, đối với các hộ vay có khả năng trả nợ nhưng chây ì, phòng giao dịch phối hợp với tổ chức hội mời lên trụ sở UBND xã, thị trấn động viên, nhắc nhở, cho viết cam kết trả nợ… Đồng thời phối hợp với người thân trong hộ gia đình của người vay để nhờ động viên, nhắc nhở trả nợ.
Tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn chủ yếu là do các hộ vay cố tình chây ỳ không chấp hành trả nợ; một số hộ bỏ đi khỏi địa bàn. Để thực hiện mục tiêu khống chế nợ, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu hồi nợ quá hạn, giao chỉ tiêu cụ thể giảm nợ quá hạn cho từng đơn vị; tăng cường chỉ đạo, giám sát trực tiếp về xử lý, thu hồi nợ. Ngay từ đầu năm 2017, chi nhánh phân công lãnh đạo chi nhánh và các trưởng, phó phòng chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ tại phòng giao dịch các huyện. Đối với địa bàn thành phố Lạng Sơn có nợ quá hạn cao, chi nhánh thành lập 2 tổ đôn đốc thu hồi nợ do 2 phó giám đốc làm tổ trưởng.
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Chi nhánh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời trong xử lý, thu hồi nợ. Trong đó, tập trung chỉ đạo xử lý đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao như: thành phố Lạng Sơn, các huyện: Tràng Định, Bình Gia… Nhờ thực hiện nhiều giải pháp tích cực, công tác xử lý, thu hồi nợ đạt nhiều kết quả. Hết năm 2017, 10/11 đơn vị có nợ quá hạn giảm. Tổng nợ quá hạn toàn chi nhánh còn 2.511 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 342 triệu đồng so với năm 2016, vượt so với kế hoạch đề ra (năm 2017, chi nhánh đề ra kế hoạch giảm nợ quá hạn dưới 0,12%). Với những nỗ lực, cố gắng đó, năm 2017, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn là 1 trong 10 đơn vị có chất lượng tín dụng tốt nhất toàn quốc. Trong năm 2018, chi nhánh tiếp tục tăng cường các biện pháp xử lý, thu hồi nợ, phấn đấu giảm nợ quá hạn xuống dưới 0,1%.
Bài, ảnh: KIM HUYÊN

Ý kiến ()