Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Quan: Góp phần giảm nghèo
(LSO) – Nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Văn Quan làm tốt công tác cho hộ nghèo vay vốn, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Hiện nay, NHCSXH huyện Văn Quan đang thực hiện 12 chương trình cho vay, trong đó, cho hộ nghèo vay vốn là chương trình có dư nợ lớn nhất. Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình này, hằng năm, phòng giao dịch luôn bám sát kế hoạch phát triển kinh tế và các chương trình giảm nghèo của huyện; chủ động nắm danh sách hộ nghèo, cập nhật thường xuyên các thông tin mới về hộ nghèo. Đặc biệt, nắm rõ nguyên nhân các hộ còn nghèo chủ yếu là do thiếu vốn sản xuất. Từ đó, đơn vị xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các xã, thị trấn kịp thời chuyển vốn đến người nghèo.
Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Coóng, xã Xuân Mai nộp tiền lãi tại điểm giao dịch xã
Bên cạnh đó, phòng giao dịch đẩy mạnh phối hợp với ban giảm nghèo các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền lồng ghép về chương trình, chính sách vốn trong các buổi giao dịch. Năm 2018, đơn vị đã tổ chức được 15 lớp tập huấn cho 759 cán bộ tổ chức hội tham gia nhận ủy thác vốn, thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, bản và cán bộ ban giảm nghèo cấp xã. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn, đôn đốc, nhắc nhở khắc phục kịp thời những hạn chế trong sử dụng vốn.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện cùng với sự tham mưu kịp thời về thực hiện chính sách vốn hộ nghèo cho ban đại diện hội đồng quản trị, những năm qua, công tác giải ngân vốn, quản lý vốn đều đảm bảo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Năm 2018, doanh số cho vay là 29,6 tỷ đồng, cho 666 lượt hộ nghèo vay vốn; doanh số thu nợ là 28,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ chương trình hiện đạt 111,4 tỷ đồng, với 3.011 hộ đang sử dụng vốn. Nguồn vốn được người dân đầu tư vào mua máy móc phục vụ sản xuất, trồng rừng, chăn nuôi…
Sau khi cho vay, NHCSXH chú trọng kiểm tra, giám sát. Trong năm 2018, phòng giao dịch phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể cấp huyện kiểm tra, giám sát được 95 lượt xã, 128 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn và 398 lượt hộ vay. Qua kiểm tra, đánh giá, cơ bản người dân có ý thức, trách nhiệm sử dụng vốn có hiệu quả, nhờ đó đời sống người dân không ngừng được cải thiện, từng bước thoát nghèo.
Bà Hà Thị Viết, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Coóng, xã Xuân Mai cho biết: Trong năm 2018, dư nợ vốn vay của tổ luôn đạt trên 2 tỷ đồng, hiện nay tổng dư nợ của tổ là 2,2 tỷ với 52 hộ đang vay vốn. Từ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đầu tư trồng hồi và phát triển chăn nuôi hiệu quả. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Trung bình mỗi năm, tổ có 2 hộ thoát nghèo bền vững.
Trước đây, gia đình chị Hứa Thị Thanh, thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Năm 2010, gia đình chị được vay 15 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn, từ đó đến nay, mỗi năm, gia đình chị duy trì nuôi 2 – 3 lứa, mỗi lứa 15 – 20 con, thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Chị Thanh cho biết: Khi có vốn, tôi tính đến việc buôn bán, mỗi ngày tôi đi các phiên chợ huyện, xã để mua các sản phẩm như: rau, củ, quả, tôm, cá… mang lên bán giao, bán lẻ tại các chợ lớn ở thành phố, ngày lãi nhiều thì được hơn 1 triệu đồng, ít cũng được 400 – 500 nghìn đồng. Đến nay, gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Cùng với các chương trình, mục tiêu khác của huyện, nguồn vốn cho hộ nghèo vay đã giúp người dân có vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Qua đó góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của huyện, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 25,66% (giảm 5,66% so với năm 2017).
KIM HUYÊN
Ý kiến ()