Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Lãng: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40
(LSO) – Thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Lãng triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của NHCSXH. Đến nay, tổng số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện là 31 người, trong đó: ban đại diện cấp huyện là 11 người; thành viên là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn (20 người, đạt tỷ lệ 100%).
Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã Hoàng Việt
Với sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu cơ sở, việc chỉ đạo, quản lý, công tác kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện thường xuyên. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu từ bình xét, cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn được nâng cao rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Thực hiện Chỉ thị 40, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao, sự phối hợp giữa chính quyền xã, các tổ chức, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện chặt chẽ hơn. Đặc biệt, việc đưa chủ tịch UBND xã vào ban đại diện hội đồng quản trị đã giúp NHCSXH huyện “cập nhật” những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm cho biết: Cấp ủy, chính quyền thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 40, từ khi thực hiện chỉ thị đến nay, địa bàn thị trấn không còn nợ quá hạn, điều kiện kinh tế của các hộ dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,4% (năm 2015 còn gần 5%). Hiện toàn thị trấn có 216 hộ vay với dư nợ trên 8,5 tỷ đồng. Để có được kết quả đó, công tác kiểm tra, giám sát cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức nhận ủy thác được chú trọng. Cùng với đó, hằng năm, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến nay, UBND huyện đã dành ngân sách địa phương chuyển sang phòng giao dịch huyện để bổ sung nguồn vốn với số tiền 1,340 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương lên 1,760 tỷ đồng; nguồn vốn được phân bổ cho các chương trình: giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay.
Năm 2018, NHCSXH huyện được giao chỉ tiêu nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang là 500 triệu đồng, đến nay đơn vị đã thực hiện giải ngân xong (hoàn thành 100% kế hoạch). Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, năng lực hoạt động của phòng giao dịch cũng được nâng cao. Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đạt trên 209 tỷ đồng, tăng 11,6 tỷ đồng so với năm 2017. Doanh số cho vay đạt trên 55,7 tỷ đồng với 1.255 lượt hộ vay. Toàn huyện có 220/220 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, khá, không có tổ trung bình, yếu kém.
Từ nguồn vốn của NHCSXH, nhiều hộ dân đã có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Gia đình bà Lương Thị Vinh ở khu 1, thị trấn Na Sầm là một trong những hộ có chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận vốn ưu đãi. Bà Vinh cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2016, bà được vay 50 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Từ số tiền đó, bà đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với 2 con lợn nái, trung bình mỗi năm, gia đình bà xuất bán 2 – 3 lứa, mỗi lứa 20 con. Doanh thu đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Từ thực hiện tốt Chỉ thị số 40, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 30,4 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 22,5% (năm 2015 là 29,67%). Đối với ngân hàng, hằng năm, nợ quá hạn đều giảm, nếu như năm 2015, nợ quá hạn là 129 triệu đồng (chiếm 0,09%) với 9/20 xã có nợ quá hạn thì hiện nay nợ quá hạn của NHCSXH huyện còn 82 triệu đồng (chiếm 0,04% tổng dư nợ), toàn huyện có 14/20 xã không có nợ quá hạn.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()