Ngân hàng Chính sách Xã hội: Đồng hành cùng hộ nghèo
LSO-Sau gần sáu năm thực hiện Quyết định 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại vùng khó khăn, hàng nghìn hộ nông dân ở các vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư vươn lên xoá đói, giảm nghèo (XĐGN) và làm giàu chính đáng. Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại thị trấn Lộc Bình - Ảnh: Lăng BíchĐến với xã giáp biên, Xuất Lễ, (Cao Lộc), khi hỏi chuyện những hộ gia đình làm kinh tế giỏi của xã, Bí thư đảng uỷ, kiêm Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ, Tô Tiến Tường, hồ hởi cho biết: xã có nhiều hộ làm kinh tế khá, giỏi, nhưng điển hình nhất là gia đình anh Lương Văn Hiệp (38 tuổi), ở thôn Bản Ngoã, từ một hộ nghèo nay đã xây được nhà kiên cố, mua ô tô...
Những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh và các phòng giao dịch tại các huyện và thành phố trong tỉnh, luôn là địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng bà con các dân tộc trong tỉnh. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã được đầu tư cho vay đúng đối tượng hưởng thụ thông qua việc bình xét công khai, dân chủ từ cơ sở. Việc thực hiện cơ chế chính sách cho vay ưu đãi thông qua các tổ chức chính trị xã hội, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần ba nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn, tại khắp thôn bản, khối phố, với hàng nghìn cán bộ không biên chế đang cùng Ngân hàng CSXH, đưa nguồn vốn đến với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Chỉ riêng nguồn vốn cho hộ SXKD vùng khó khăn, doanh số cho vay trong sáu tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đạt hơn 85,9 đồng, với hơn 27.526 hộ dân được vay vốn, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, góp phần ổn định kinh tế, xã hội ở các địa phương trong tỉnh. Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Đào Anh Tuấn bày tỏ: Từ nguồn vốn cho vay SXKD ở vùng khó khăn, đã đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rất lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, giúp người dân từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, có việc làm và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, chương trình cho vay vốn SXKD ở vùng khó khăn còn có một số hạn chế như: Một số Ban chỉ đạo XĐGN ở một số xã, phường, thị trấn chưa coi trọng vai trò, vị trí của kênh tín dụng chính sách đối với hoạt động XĐGN, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Một số tổ chức chính trị xã hội cơ sở chưa theo dõi chặt chẽ nguồn vốn uỷ thác; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ vay sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, xâm tiêu, nợ lãi còn nhiều hạn chế…Là tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hơn 24%); đặc biệt là nhu cầu vay vốn SXKD tại vùng khó khăn còn rất lớn nên trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Ngân hàng CSXH Việt Nam quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn; cần có chính sách xét chi trả thù lao, hoa hồng cho trưởng thôn bản, khối phố, theo từng vùng miền khác nhau; đề nghị cho vay đối với đối tượng cận nghèo…
Hùng Tráng
Ý kiến ()