Ngân hàng Chính sách xã hội – địa chỉ tin cậy của người nghèo
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã không ngừng khẳng định vị thế của một ngân hàng phục vụ người nghèo và vì người nghèo ở nước ta.
Người dân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế |
So về thời gian trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, NHCSXH thuộc hàng ngũ non trẻ khi mới tròn 12 năm thành lập (04/10/2002 – 04/10/2014), nhưng vai trò, trọng trách, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, với những việc đã làm được trong hơn thập kỷ qua, thì đó là một hành trình đầy tự hào của một ngân hàng đặc thù.
Kể từ khi nhận bàn giao từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo đến nay, dư nợ tín dụng của NHCSXH đã tăng 18 lần, đạt 126.830 tỷ đồng (tính đến 31/10/2014); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng lên hơn 18 triệu đồng.
Con số thì ngắn gọn nhưng đó là cả một cuộc cách mạng về mặt an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thống kê cho thấy, chỉ sau gần 12 năm, đã có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách, góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo (tính đến hết năm 2013).
Một thành công nữa của NHCSXH là tín dụng ưu đãi đã phát huy được sự đóng góp của các tổ chức chính trị – xã hội và thắt chặt thêm quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Hiện nay, có gần 8.000 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị NHCSXH. Trong mô hình này, các cán bộ lãnh đạo của cơ quan quản lý từ cấp Trung ương cho tới địa phương, phối hợp các tổ chức chính trị – xã hội tham gia vào công tác quản lý, điều hành tại NHCSXH.
Theo PGS. TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng, NHCSXH là một mô hình tổ chức mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Công tác cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã khai thác và sử dụng hiệu quả được sức mạnh tổng hợp từ các cơ quan quản lý cũng như cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đồng thời duy trì được bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí.
NHCSXH cũng đã xây dựng và thực hiện thành công phương pháp tác nghiệp đặc thù là tổ chức giao dịch (cho vay, thu nợ, thu lãi, họp giao ban, phổ biến các chính sách tín dụng mới…) tại gần 11.000 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn. Với gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được xây dựng, NHCSXH đã tạo ra những kênh hỗ trợ thiết thực, vừa là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để NHCSXH đưa các nghiệp vụ tín dụng về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn.
Niềm vui của người dân khi nhận nguồn vốn tín dụng của NHCSXH (Ảnh: Hải Việt) |
Thời gian tới, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, những thách thức trong hành trình tiếp vốn xóa nghèo của NHCSXH vẫn còn nhiều. Bước vào giai đoạn phát triển mới, NHCSXH tiếp tục nỗ lực trong tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và có hiệu quảChiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu đưa tín dụng chính sách xã hội là giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững; t rong đó, phải nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để Ngân hàng thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020.
Đặc biệt, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho NHCSXH, ngày 22/11//2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở Chỉ thị này, hoạt động tín dụng chính sách xã hội sẽ nhận được sự hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều tổ chức chính trị – xã hội, qua đó, ngày càng càng củng cố, mở rộng nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn của người nghèo, các gia đình chính sách xã hội.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()