Ngân hàng Chính sách Xã hội Cao Lộc: Thực hiện hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
(LSO) – Năm 2018, nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn huyện Cao Lộc tiếp tục tăng trưởng, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện đạt trên 202 tỷ đồng. Nguồn vốn được sử dụng phát triển sản xuất có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình vốn ưu đãi, ngay từ đầu năm 2018, NHCSXH huyện đã rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng địa bàn xã, thị trấn và từng chương trình vốn. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch sử dụng vốn, xin cấp vốn sát với nhu cầu vay. Trong năm, nguồn vốn được cấp bổ sung 10 tỷ đồng. Theo đó ngân hàng đã tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức giải ngân tại UBND xã, thị trấn theo đúng lịch giao dịch, kịp thời đưa vốn đến các đối tượng thụ hưởng.
Nhờ làm tốt công tác giải ngân, doanh số cho vay từ đầu năm đến nay của NHCSXH là trên 64 tỷ đồng cho 1.498 lượt hộ vay vốn, hiện tổng dư nợ đạt hơn 202 tỷ đồng, với 5.394 hộ còn dư nợ, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2017, đạt 99,8% kế hoạch giao.
Người dân xã Tân Liên, huyện Cao Lộc sử dụng nguồn vốn phát triển chăn nuôi
Ông Lý Thế Công, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Đơn vị chúng tôi triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý vốn theo các văn bản chỉ đạo của trung ương và sự chỉ đạo, hướng dẫn của NHCSXH tỉnh. Cụ thể, phòng giao dịch phân công cán bộ tín dụng phụ trách theo địa bàn, bám nắm tình hình sử dụng vốn trên địa bàn đó. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn bản thực hiện tuyên truyền, phổ biến về các chính sách vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát hộ sử dụng vốn, đôn đốc, nhắc nhở việc trả nợ, trả lãi.
Bên cạnh đó, trong quản lý vốn năm 2018, ngân hàng thực hiện đối chiếu, phân loại nợ tại 23/23 xã, thị trấn, trên 208 tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 5.500 khách hàng (hoàn thành 100% kế hoạch); lãnh đạo phòng giao dịch thực hiện kiểm tra đột xuất tại điểm giao dịch xã hằng tháng, bình quân 3 điểm/tháng. Ngoài ra, trong năm, ngân hàng phối hợp với UBND các xã và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho 729 đại biểu là cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể, trưởng thôn và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý vốn từ cơ sở.
Từ sự phối hợp thực hiện tốt các biện pháp quản lý vốn, nguồn vốn sau khi cho vay đã được đầu tư đúng mục đích, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ… đều phát huy hiệu quả. Trong số hàng nghìn hộ dân đang sử dụng vốn, đã có rất nhiều hộ vươn lên phát triển sản xuất, có thu nhập khá, ổn định đời sống.
Bà Tô Thị Pinh, thôn Co Cam, xã Hòa Cư chia sẻ: Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù có nhiều diện tích đồi rừng nhưng rất thiếu vốn để xoay sở trong sản xuất. Năm 2014, khi được vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng, tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng cây ăn quả: hồng, mận… đồng thời góp vốn mua chiếc ô tô chuyên đi thu mua hoa quả tại các xã và giao buôn cho các chợ đầu mối. Hiện gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, cuộc sống ngày càng ổn định hơn trước.
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện và nâng cao, nên việc trả nợ, trả lãi cơ bản được thực hiện đúng kì hạn. Hiện nợ quá hạn chỉ còn 187 triệu đồng, chiếm 0,09% tổng dư nợ, thấp hơn mức cho phép (tỷ lệ cho phép là 2%).
KIM HUYÊN
Ý kiến ()