LSO-Thực hiện mục tiêu giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương cũng như tâm tư nguyện vọng của các hộ dân. Từ đó, Ngân hàng không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình vốn, góp phần làm chuyển biến tích cực các vùng quê, mang đến niềm vui cho bao hộ dân nghèo trước thềm mỗi mùa xuân mới. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang thực hiện 9 chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các chương trình vốn chủ yếu được thực hiện thông qua ủy thác các tổ chức chính trị xã hội, chiếm tới 98% tổng dư nợ các chương trình cho vay. Để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng, đưa vốn kịp...
LSO-Thực hiện mục tiêu giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương cũng như tâm tư nguyện vọng của các hộ dân. Từ đó, Ngân hàng không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình vốn, góp phần làm chuyển biến tích cực các vùng quê, mang đến niềm vui cho bao hộ dân nghèo trước thềm mỗi mùa xuân mới.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang thực hiện 9 chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các chương trình vốn chủ yếu được thực hiện thông qua ủy thác các tổ chức chính trị xã hội, chiếm tới 98% tổng dư nợ các chương trình cho vay. Để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng, đưa vốn kịp thời đến với cơ sở, Ngân hàng Chính sách tỉnh đã tăng cường phối hợp với cơ sở, với các tổ chức hội trong thực hiện tuyên truyền, thẩm định, giải ngân cho vay và sử dụng vốn. Qua đó, các hộ vay vốn được nâng cao hiểu biết về các chương trình vốn, nắm rõ mục đích sử dụng vốn… Qua các lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt…, người dân đầu tư vốn đúng hướng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Người dân xã Tân Liên được tập huấn về vay vốn sản xuất do NHCS chi nhánh Cao Lộc Tổ chức |
Ông Nông Văn Tâm, Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Tràng Định cho biết: Tràng Định là một trong những huyện có nhiều xã vùng III, vùng cao, cách trung tâm thị trấn 30- 60km. Ở những xã này, tỷ lệ hộ nghèo rất cao, việc đi lại vô cùng khó khăn. Để ra đến UBND xã, người dân đi bộ phải mất cả buổi sáng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giao dịch. Mặt khác, nhận thức của người dân nơi đây rất hạn chế, hiểu biết về các chương trình vốn cũng như việc đầu tư vốn thế nào để có hiệu quả thật không dễ. Để khắc phục những khó khăn này, đội ngũ cán bộ Ngân hàng huyện cùng các hội, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, giải thích trực tiếp trong các buổi giao dịch tại xã, giúp định hướng đầu tư vốn cho người dân ở các thôn, bản. Từ lòng nhiệt huyết với cơ sở như vậy, các chương trình vốn vay được triển khai kịp thời trên địa bàn, giúp các hộ dân nghèo có vốn sản xuất. Trong năm 2010, phòng giao dịch huyện cho vay mới trên 29 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn huyện đạt 84 tỷ đồng, với hơn 7 nghìn hộ đang sử dụng vốn.
Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ các chương trình vốn đạt trên 1.092 tỷ đồng, với gần 82 nghìn hộ dư nợ, trong đó, chương trình hộ nghèo chiếm dư nợ nhiều nhất, trên 468 tỷ đồng, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 341 tỷ đồng, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 144,82 tỷ đồng… Vốn hộ nghèo, vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được người dân đầu tư mua con giống, cây giống, vật tư phân bón, máy móc… phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ các nguồn vốn trên, hàng năm, các mô hình kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi, vườn cây ăn quả, trồng rừng, sản xuất kinh doanh tại các địa phương tăng lên. Với các mô hình phát triển sản xuất đó, đồng vốn thực sự đem lại hiệu quả, giúp các hộ dân cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Nông Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan tâm sự: Được vay vốn của Ngân hàng Chính sách, các chị em đã hăng hái đầu tư nuôi lợn, trâu, bò và mở rộng quy mô chuồng trại. Năm 2010, nhiều hộ nuôi từ 10 đến 30 con lợn, trong đó có cả lợn nái. Đây là một bước tiến mới, vì khi chưa có vốn các hộ dân chỉ nuôi vài con. Nhờ đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều hộ lần lượt thoát nghèo, xuất hiện nhiều hộ hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi. Ở các địa phương khác, các mô hình kinh tế hộ gia đình cũng cho thu nhập khá, như mô hình chăn nuôi lợn ở các xã Cao Lâu, Xuất Lễ, mô hình cây ăn quả ở xã Bảo Lâm, Hải Yến, huyện Cao Lộc… cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm…
|
Tham quan mô hình chăn nuôi lợn thịt của Hội Làm vườn Hữu Lũng |
Bên cạnh hiệu quả thiết thực về phát triển kinh tế, các chương trình vốn của Ngân hàng Chính sách còn góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, ổn định đời sống nhân dân. Hiện vốn chương trình giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, xuất khẩu lao động đang tạo điều kiện cho hơn 14 nghìn đối tượng học sinh, sinh viên có điều kiện học tập và lao động nông thôn có việc làm. Hàng nghìn công trình nước sạch được xây dựng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn. Từ cuối năm 2008 đến nay, chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở tạo điều kiện cho gần 1.300 hộ nghèo ở khắp các thôn, bản có nhà ở…
Trong những ngày giáp tết, khắp các vùng quê từ thành thị đến vùng III đều đang háo hức đón mùa xuân mới với niềm vui vì thành quả một năm phát triển kinh tế của mình. Bước sang năm mới, những đồng vốn của Ngân hàng Chính sách tiếp tục giúp các hộ dân vươn lên, thực hiện ước mơ làm giàu, đổi mới quê hương.
Lâm Như
Ý kiến ()