Ngân hàng “chạy đua” miễn phí trên nền tảng số
Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã mạnh tay cắt giảm phí dịch vụ, đồng thời liên tục cập nhật công nghệ mới để đem lại trải nghiệm tốt hơn trên ứng dụng ngân hàng. Làn sóng miễn phí giao dịch được dự báo sẽ tiếp tục trong bối cảnh cạnh tranh về huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn đang diễn ra gay gắt.
Cụ thể, ngay từ những ngày đầu năm 2022, các ngân hàng lớn như Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công thương Việt Nam (VietinBank) đã chính thức miễn phí toàn bộ trên ứng dụng ngân hàng số như phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền nội, ngoại mạng,… Cuộc đua “zero fee” càng trở nên “nóng” khi chính thức có sự tham gia của nhóm “Big4” trong ngành ngân hàng.
“Nóng” cuộc đua “zero fee”
Có lẽ, với các khách hàng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), “zero fee” không còn là khái niệm xa lạ. Chị Bùi Thị Tuyết mở tài khoản tại ngân hàng này gần 10 năm nay chia sẻ: Chính sách “zero fee” của Techcombank đã được thực hiện khoảng 5 năm. Khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ trên ứng dụng của “Tech” mà không mất phí. Những ngày đầu năm 2022, cuộc đua miễn phí dịch vụ trên nền tảng số được nhiều ngân hàng nhập cuộc.
Đơn cử, ngay sau khi Vietcombank thông báo miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh Ngân hàng số VCB Digibank cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ đầu năm 2022, BIDV cũng đã công bố miễn toàn bộ phí trên kênh Ngân hàng số BIDV SmartBanking. VietinBank cũng mở rộng chính sách miễn phí vô điều kiện cho tất cả khách hàng, theo đó, chủ tài khoản VietinBank sẽ được miễn toàn bộ các loại phí trên kênh Ngân hàng số VietinBank iPay mà không cần tham gia các gói tài khoản thanh toán hay duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), từ tháng 5/2021, cũng đã miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh Ngân hàng số của Agribank.
Thực tế, không riêng Techcombank, nhiều ngân hàng ở khối thương mại cổ phần cũng dịch chuyển theo xu hướng miễn phí giao dịch trên các ứng dụng ngân hàng từ nhiều năm trước, như MB, TPBank, VPBank, MSB, HDBank,… Các ngân hàng này đã thực hiện miễn phí dịch vụ nhằm khuyến khích khách hàng mở tài khoản giao dịch và thúc đẩy các kênh thanh toán trực tuyến. Và mới đây nhất, từ tháng 1/2022, Ngân hàng Bản Việt cũng áp dụng chính sách miễn phí tất cả giao dịch của khách hàng cá nhân trên kênh Ngân hàng số.
Tiết giảm chi phí, giảm lãi vay
Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng, chính sách “zero fee” giúp ngân hàng thu hút thêm khách hàng. Ngoài ra, với việc thu hút ngày càng nhiều lượng tiền gửi không kỳ hạn với chi phí thấp, chỉ 0,1%-0,5%/năm sẽ góp phần giúp ngân hàng thương mại huy động nguồn vốn đầu vào thấp hơn nhiều so với gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, thu hút CASA với các ngân hàng hiện nay là cạnh tranh sản phẩm dịch vụ, muốn “hút” người dân sử dụng sản phẩm dịch vụ bán lẻ thì phải miễn phí.
Do đó, từ đầu năm 2022, Vietcombank đã giảm toàn bộ phí giao dịch trên kênh VCB Digibank để tăng cường khuyến khích khách hàng sử dụng trên nền tảng dịch vụ công nghệ số. “CASA trước mắt và lâu dài sẽ thay đổi định hướng trước đây như thay vì phải mở chi nhánh, phòng giao dịch để tiếp cận khách hàng thì nay khách hàng tăng cường sử dụng kênh số giúp ngân hàng giảm chi phí đầu tư như thuê văn phòng, nhân sự,… Quan trọng hơn cả là hệ thống công nghệ số sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng 24/7 và giảm chi phí đầu vào, từ đó góp phần giảm lãi suất đầu ra” – ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận,… để tiến tới phấn đấu giảm lãi suất cho vay, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra tại Chỉ thị số 01 đối với hệ thống tổ chức tín dụng. Đồng hành cùng các ngân hàng thành viên tiếp tục triển khai chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ đầu năm, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục giảm phí dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas247 (dịch vụ Napas247) cho toàn bộ tổ chức thành viên.
Theo đó, từ đầu tháng 2/2022 đến hết tháng 6/2022, NAPAS tiếp tục miễn 100% phí trên thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia; miễn phí xử lý với các giao dịch chuyển mạch qua hệ thống ATM/POS; miễn phí 100% các giao dịch chuyển tiền nhanh Napas247 với giá trị dưới 500 nghìn đồng và các giao dịch chuyển tiền bằng mã VietQR. Bên cạnh đó, NAPAS tiếp tục giảm thêm 20% dịch vụ Napas247 so với biểu phí đã áp dụng từ 1/10/2021. “NAPAS tiếp tục triển khai các chương trình miễn, giảm phí để đồng hành cùng với chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán (“zero fee”) của các ngân hàng thành viên. Qua đó, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như đáp ứng nhu cầu thanh toán hằng ngày của người dân và các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước” – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành NAPAS Nguyễn Thị Hồng Quyên chia sẻ.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng-TS Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng đua miễn phí giao dịch là động thái tốt với cả ngân hàng và khách hàng, nhất là trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19. Để tăng tỷ lệ CASA, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: Dịch Covid-19 khiến thói quen của khách hàng thay đổi, nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng hơn rất nhiều; nhưng CASA có đặc điểm là không ổn định, người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào. Do vậy nếu một ngân hàng không chú trọng phát triển dịch vụ số, kết nối được nhiều hệ sinh thái hơn phục vụ những nhu cầu phong phú của khách hàng thì khách hàng sẽ lựa chọn một ngân hàng khác có dịch vụ tốt hơn, hoặc rút tiền ra để đầu tư những kênh khác, và CASA sẽ sụt giảm. Đặc biệt, ở những ngân hàng có quy mô nhỏ, khó có thể chạy đua tăng trưởng CASA cao như các ngân hàng lớn thì việc quan tâm tới chất lượng phục vụ khách hàng cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh.
Các phân tích từ Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho thấy, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đã và đang thực hiện chủ trương giảm thêm lãi suất cho vay từ phía cơ quan quản lý, thì việc tăng tỷ lệ vốn CASA sẽ phần nào giảm áp lực cho ngân hàng trong việc giảm chi phí vốn đầu vào. Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng xác định CASA là một trong những chiến lược quan trọng của kế hoạch phát triển kinh doanh. Như MSB đặt mục tiêu từ nay tới năm 2023 sẽ cố gắng để CASA cán mốc 40.000 tỷ đồng; hay Techcombank cũng đặt mục tiêu năm 2025 đưa tỷ lệ CASA lên khoảng 55%,… “Việc nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA cao, thậm chí trên 50%, là tín hiệu tích cực. Nhưng tôi cho rằng quan trọng hơn hết là sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng có phù hợp với nhu cầu của khách hàng không, có gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân không,… Bởi chỉ khi ngân hàng lấy lòng được khách hàng bằng dịch vụ, bằng sản phẩm thì tự khắc sẽ giữ được chân họ ở lại với ngân hàng lâu hơn” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Ý kiến ()