Ngân hàng cải thiện hệ số tỷ lệ an toàn vốn
Việc các ngân hàng liên tục gia tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp họ có được cơ sở vững chắc để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các giai đoạn tiếp theo. Ðó cũng là lý do vì sao trên thị trường những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã tích cực thực hiện chiến lược tăng vốn để qua đó cải thiện hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn).
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng thương mại bổ sung nguồn vốn kinh doanh. (Ảnh: NG.ANH) |
Ðáng chú ý, trong tháng 3/2023, thị trường đón nhận thông tin về việc hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản, thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Sau thương vụ này, SMBC Group đã chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank. Ðiều này cũng cho thấy tín hiệu tốt về năng lực của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.
Tái khởi động cuộc đua mua bán, sáp nhập
Cụ thể, thương vụ này sẽ mang về cho VPBank 1,5 tỷ USD (tương đương khoảng 35.900 tỷ đồng) vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác kinh doanh.
Cuối năm 2021, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG – cũng đã mua 49% cổ phần FE Credit – công ty con của VPBank. SMBC cũng giúp VPBank thu xếp nhiều khoản huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế.
Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai tại Việt Nam (sau Vietcombank), từng bước hiện thực hóa mục tiêu nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.
Thương vụ trên cũng là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022 nhằm tăng năng lực tài chính và đạt mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới. Với quy mô vốn lớn, không chỉ các chỉ tiêu an toàn vốn được nâng cao, các giới hạn về cho vay với một hay một nhóm khách hàng cũng được mở rộng.
Theo Chủ tịch HÐQT VPBank Ngô Chí Dũng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của SMBC vào năng lực và triển vọng của VPBank.
Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui Jun Ohta cũng nhấn mạnh: “Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của SMBC, quan hệ đối tác chiến lược với VPBank nằm trong chiến lược đó. Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay. Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ KEB Hana Bank “rót” hơn 20.000 tỷ đồng để mua 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.
Như vậy có thể thấy, trong những năm gần đây việc tăng vốn luôn được đánh giá là cần thiết, giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời bảo đảm hệ số CAR theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hằng năm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), dù hệ số CAR bình quân của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng nhẹ lên mức 11,47% trong quý I/2022 (so với 11,3% trong quý I/2021) – cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng về cơ bản vẫn ở mức tương đối thấp.
Cá biệt, hệ số CAR ở một số ngân hàng chỉ cao hơn một chút so với yêu cầu tối thiểu. Chính vì vậy, các ngân hàng hiện đang tích cực đẩy mạnh tăng vốn để khắc phục những rủi ro, thêm sức bật cho giai đoạn phát triển mới.
Và trong bối cảnh việc huy động vốn thông qua thị trường vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu ở thị trường trong nước không còn dễ dàng như trước, nhiều ngân hàng lên kế hoạch hút thêm vốn ngoại để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Thương vụ của VPBank và SMBC là một trong số ít thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng quy mô lớn thành công trong vài năm trở lại đây.
Tiếp tục cải thiện hệ số CAR
Hiện nay, hệ số CAR được tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%. Theo đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, CAR của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2022, hệ số CAR tính theo Thông tư số 14 của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức 9,04%.
Một số chuyên gia nhận định, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.
Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lại có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn khá nhiều so với các ngân hàng thương mại Nhà nước, đạt 12,29%. Riêng nhóm ngân hàng nước ngoài, có hệ số CAR đạt 18,61% (tương đồng mức bình quân trong khu vực).
Cũng theo số liệu thống kê từ cơ quan này, đến hết tháng 10/2022, tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đã tăng 10,5% so với cuối năm 2021 và đạt ở mức 857.266 tỷ đồng. Trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 190.410 tỷ đồng, tăng 5,74%; khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 452.947 tỷ đồng, tăng 15,08%…
Một số chuyên gia nhận định, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023. Trong khi, các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.
Trong khi đó, đánh giá từ nhóm chuyên gia phân tích của VNDirect cũng nêu rõ, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt vẫn còn tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.
Ðặc biệt, CAR trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).
Do vậy, việc bảo đảm hệ số CAR, cùng với đó là câu chuyện tăng vốn đã và đang trở thành nhu cầu cấp thiết của các ngân hàng Việt trên con đường hướng tới chuẩn mực quốc tế Basel III.
Ý kiến ()